MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân Khánh hồi tỉnh, có thể đi lại và không bị di chứng về não nhờ bạn sơ cấp cứu và các bác sĩ áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt.

Bất tỉnh khi đá bóng, nam thanh niên được bạn ép tim giữ cơ hội sống

THUỲ TRANG LDO | 24/12/2019 14:30

Vừa chạy vào sân đá bóng được vài phút, anh Lê Phước Khánh, sinh năm 1990, quê ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đột nhiên ngất đi, người tím tái co giật. Giữa hàng chục người hoảng loạn, một người bạn của Khánh nhận ra anh đang ngưng thở liền sơ cấp cứu ép tim liên tục, giữ lại mạch cho nạn nhân đến khi vào viện.

Giữ được mang sống bạn nhờ kỹ năng sơ cấp cứu

Ngày 24.12, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, nam bệnh nhân Lê Phước Khánh đã hồi tỉnh hoàn toàn sau nhiều ngày hôn mê sâu.

Trước đó, ngày 18.12, khi đang tham gia một trận bóng đá với bạn, Khánh vừa vào sân chạy được 5 phút thì nói với mọi người thấy mệt.

Ngay sau đó, anh ngã ra sân, co giật, người tím tái. Giữa lúc đó, anh Lê Văn Hiếu (1991), bạn của Khánh đã nhanh chóng kiểm tra mạch, nhịp tim.

“Khánh thở nặng nhọc vài hơi rồi ngất đi, tôi kiểm tra mạch rất yếu liền ép tim trong lúc đợi mọi người gọi xe taxi và liên hệ với người nhà” – anh Hiếu kể lại.

Sơ cứu được một lúc, Khánh thở trở lại nhưng tình trạng vẫn nguy cấp, anh Hiếu cùng bạn bè đưa Khánh lên xe và tiếp tục ép tim cho đến khi vào phòng cấp cứu của bệnh viện.

Được biết, anh Hiếu là y sĩ đa khoa, đang làm việc tại một công ty trong khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam, cũng là đồng nghiệp với anh Khánh.

“Lúc xảy ra sự việc ai cũng hoảng, mặc dù chưa gặp trường hợp này bao giờ nhưng tôi cũng được học kỹ năng sơ cấp cứu nên dạn tay làm. Dù đã ép tim nhưng tình trạng của Khánh rất nguy kịch nên tôi đi theo xe taxi vừa tiếp tục ép tim vừa đo mạch. May mắn khi vào bệnh viện, mạch của Khánh vẫn được giữ” – anh Hiếu kể.

Hơn 20 phút từ sân bóng đến bệnh viện, anh Hiếu đã giúp giữ lại cơ hội sống quý giá cho người bạn của mình.

Người dân thiếu kỹ năng sơ cấp cứu

Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng – Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Đà Nẵng, đơn vị trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Khánh cho biết, việc cấp cứu, giữ được nhịp tim cho nạn nhân sau khi ngất đi không rõ nguyên nhân là rất quan trọng.

“Khi nạn nhân bị ngưng tuần hoàn trong 2 đến 5 phút thì tế bào não sẽ chết, dù sau đó có cứu chữa thì cũng sẽ để lại di chứng về não, thậm chí não có thể không phục hồi, người bệnh sẽ phải sống thực vật. Nhưng nếu được cấp cứu tốt thì tình trạng tim mạch và não của nạn nhân sẽ được bảo vệ, giúp quá trình điều trị sau đó thuận lợi hơn như trường hợp của bệnh nhân Khánh”, bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng nói.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, huyết áp không ổn định nhưng may mắn giữ được nhịp tim. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng điều trị phương pháp hạ thân nhiệt để giảm tổn thương cho não.

Sau 5 ngày, đến nay bệnh nhân Khánh đã hồi tỉnh hoàn toàn, đi lại nhẹ nhàng và không bị di chứng nào về não.

Trao đổi thêm về các kỹ thuật sơ cấp cứu nạn nhân, bác sĩ Hùng cũng cho biết, ngoài các nhân viên y tế được đào tạo và có kinh nghiệm, thì người dân hiện nay đang rất mơ hồ.

“Để có thể sơ cấp cứu một bệnh nhân, mỗi người phải có nhận thức, kiến thức, được đào tạo trong thời gian dài chứ không phải ngày một ngày hai.

Ở nhiều nước, các chương trình sơ cấp cứu đã được đưa vào từ chương trình mẫu giáo, cấp 1 cho các em học sinh tìm hiểu, sau đó đến các cấp học tiếp theo các em sẽ được thực hành ép tim, được hướng dẫn bởi các nhân viên y tế. Có thể thời điểm được học, các em sẽ chưa làm được nhưng 10 năm sau, với những gì được tiếp cận, các em sẽ dần hình thành ý thức rằng trường hợp này sẽ làm gì, sơ cấp cứu ra sao để khi gặp phải thì có thể làm được ngay”  - bác sĩ Hùng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn