MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Báu vật nghìn năm tuổi giữa núi rừng Na Hang

Anh Minh LDO | 14/10/2021 15:33

Những cây nghiến cổ thụ, có tuổi đời cả nghìn năm vẫn đang sừng sững giữa núi rừng Na Hang (Tuyên Quang). Với vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng, địa phương này đang lên kế hoạch để phát triển du lịch sinh thái.

Những cánh rừng nghiến cổ thụ là một thứ “đặc sản” tại huyện Na Hang. Đây là nơi có quần thể rừng nghiến lớn bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang.

Rừng nghiến tại Na Hang tập trung chủ yếu tại khu vực Giàn Tre, Đường Gòng thuộc Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng. Quần thể nghiến cổ thụ tại khu rừng Khau Tép, Pá Lịa (Xã Khâu Tinh). Nghiến “bàn tay” thuộc khu rừng Đông Đăm, Tát Loỏng thuộc thôn Bản Bung (Thanh Tương).

  Huyện Na Hang đang lên kế hoạch phát triển du lịch sinh thái dựa vào những cánh rừng nguyên sinh.

Nghiến tại đây có tuổi đời cả nghìn năm. Nhiều cây cao “chọc trời”, thân lớn độ hai ba người mới ôm xuể. Tán cây rộng bao trùm cả một khu vực. Tại Giàn Tre, những cây nghiến cổ thụ có bộ rễ khủng bám chặt vào vách đá.

Nghiến chỉ mọc trên núi đá vôi, tuyệt nhiên không thấy trên núi đất. Loài cây này phân bố chủ yếu tại các sườn núi thuộc họ cẩm quỳ. 

Vì sống trên núi đá nên nghiến lớn rất chậm. Những cây nghiến nhỏ bằng bắp chân đã có mấy chục năm tuổi. Cây lớn với đường kính 2m- 3m, cao hàng chục mét thì phải cả nghìn năm tuổi. 

Tâm sự về những cánh rừng nghiến bạt ngàn, ông Thái Văn Tương - một người Mông tại Khâu Tinh cho biết: “Phá một cánh rừng thì nhanh lắm. Nhưng để có một cây nghiến tuổi đời như thế này thì không phải chuyện dễ. Nghiến ở Na Hang đặc biệt lắm, có những cây cả nghìn năm tuổi rồi. Giữ được rừng thì mới giữ được cuộc sống ổn định”.

Hiện tại, nghiến được xếp vào gỗ quý nhóm 2A. Đây là loài cây có độ cứng cao, chịu nước rất tốt. Một m3 gỗ nghiến có trọng lượng khoảng 1 tấn, độ ẩm trong gỗ chỉ khoảng 15%.

Một số bừu nghiến hay còn gọi là ngọc nghiến được chế biến thành đồ thủ công mỹ nghệ như lục bình, cóc nghiến. Là loại gỗ tốt, thế nên các sản phẩm được chế tác từ nghiến có tuổi đời rất cao.

  Nghiến là loại gỗ quý, có độ cứng cao. Một cây nghiến có đường kính 2-3m có tuổi đời lên tới cả nghìn năm.

Tại khu Bảo tồn thiên nhiên Na Hang, những cánh rừng nghiến bạt ngàn được coi là “độc”, “lạ”. Mỗi cây có tuổi đời hàng nghìn năm lại có những tích thú vị. Từ người dân đến kiểm lâm, mỗi cây nghiến lại có một điều đặc biệt riêng. Họ xem nghiến như báu vật mà thiên nhiên Na Hang ban tặng. 

Hiện tại, huyện Na Hang đang lên phương án phát triển du lịch sinh thái. Những cánh rừng nghiến nghìn tuổi sẽ là trọng tâm mà địa phương hướng đến. 

Rừng nghiến ở Na Hang vẫn giữ được nét hoang sơ nên dễ chiều lòng du khách. Đứng dưới những tán nghiến có tuổi đời cả nghìn năm, nghe câu chuyện về "cuộc đời" nghiến sẽ là trải nghiệm thú vị.

Anh Lê Hồng Binh chuyên gia về rừng đặc dụng của Na Hang tâm sự, trước đây anh là Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang. Vì quá yêu rừng nên anh lại xin làm nhân viên tuần rừng tại Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng. 

Những cánh rừng nghiến không khác gì báu vật của người Na Hang. Dễ đến vài nghìn năm kiến tạo mới được như bây giờ. Vì vậy, bảo vệ rừng nghiến cổ thụ không khác gì bảo vệ mạng sống chính mình.

Hiện tại, kiểm lâm và người dân tại Na Hang đang chung tay để bảo vệ những cánh rừng. Sống cạnh rừng, giữ được rừng sẽ giữ được cuộc sống bình yên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn