MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kẹo sâm Hamer Ginseng & Coffee có chứa Tadalafil. Ảnh: BVCC

Bẫy thực phẩm bảo vệ sức khỏe rình rập người tiêu dùng

Lệ Hà LDO | 15/03/2024 06:27

Thị trường thực phẩm bảo vệ sức khoẻ khá đa dạng, bên cạnh những sản phẩm tốt cũng xuất hiện tình trạng doanh nghiệp quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng. Các cơ sở y tế đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc nghiêm trọng do sử dụng các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chứa chất cấm, chất nguy hiểm.

Rước hoạ vì nghe quảng cáo

Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân B.X.T (51 tuổi, ở Hà Nội) bị đau nhức cơ vùng đùi sau khi ăn một loại kẹo có tên “Kẹo sâm Hamer Ginseng & Coffee” để tăng khoái cảm. Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau mỏi nhiều ở vùng đùi 2 bên, nóng đỏ và chảy dịch.

Người bệnh cho biết, 2 ngày trước có ngậm 1 viên “Kẹo sâm Hamer Ginseng & Coffee”. Các bác sĩ của bệnh viện đã yêu cầu xét nghiệm loại kẹo mà bệnh nhân sử dụng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, loại kẹo này có chứa Tadalafil - một loại thuốc được dùng để chữa rối loạn cương dương (thuộc nhóm thuốc ức chế men PDE-5).

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thuốc Tadalafil đã được trộn vào trong loại "Kẹo sâm Hamer Ginseng & Coffee", sau đó bán dưới dạng thực phẩm chức năng tăng cường sinh lực nam giới.

Tại Việt Nam, loại kẹo này được bán rất nhiều trên thị trường nhưng đều được giới thiệu là hàng "xách tay".

Triệu chứng khi bị ngộ độc thuốc ức chế men PDE-5 bao gồm những vấn đề về tim như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nhồi máu cơ tim. Vấn đề về thần kinh như chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ. Những vấn đề về thị giác như giảm, mất thị lực, thay đổi nhận thức màu sắc. Về cơ xương khớp có thể có những triệu chứng như tiêu cơ vân, nhức mỏi cơ. Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cũng từng phẫu thuật cắt toàn bộ thực quản và dạ dày cho bệnh nhân uống thuốc giảm cân. Nghe theo lời quảng cáo có cánh trên mạng, chị A (43 tuổi, Quảng Ninh) mua 2 lọ thuốc giảm cân Baschi hồng (100% từ thảo dược thiên nhiên Thái Lan, giá 500.000 đồng/hộp) để uống với mong muốn giảm cân và làm đẹp.

Theo hướng dẫn sử dụng, mỗi ngày chị uống 2 viên vào buổi tối cùng nước chanh ấm trước khi đi ngủ. Kết quả, sau 1 tháng chị giảm được 3kg. Tuy nhiên, ngay sau đó bệnh nhân có biểu hiện nôn ra máu và được chẩn đoán hẹp toàn bộ thực quản và dạ dày.

Ca mổ diễn ra trong 5 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản ngực của bệnh nhân, sau đó tạo hình đường tiêu hóa trên bằng hồi đại tràng phải.

Thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm thông tin trên nhãn ghi: VIP MEN. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm cung cấp

Xử phạt hàng loạt sai phạm nhưng không xuể

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thời gian gần đây cục liên tục phát hiện, xử phạt các hành vi như sản xuất ma túy dưới lớp vỏ bọc là thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP); không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; sử dụng chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe…

Gần đây nhất, Công ty TNHH Sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển, địa chỉ ở Điểm công nghiệp Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) bị phạt với số tiền trên 11 tỉ đồng với 6 hành vi vi phạm, trong đó có hành vi sản xuất thực phẩm hỗ trợ tăng cường sinh lực có chất cấm. Nghiêm trọng nhất là hành vi sử dụng chất cấm sử dụng (Sildenafil, Sibutramine) trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Sản phẩm thực phẩm có chất cấm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ hoàn dương plus, Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh...

Hay Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Công an thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Capital. Qua quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm buộc thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm thông tin trên nhãn ghi: VIP MEN công dụng: hỗ trợ bổ thận, tráng dương, giúp tăng cường sinh lực...Không dùng cho nam giới dưới 18 tuổi và có dòng chữ “hàng tặng - không bán”. Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm doanh nghiệp có vi phạm bị Cục An toàn thực phẩm xử lý.
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết: Thực tế cho thấy, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nội dung quảng cáo chưa đúng, thổi phồng về công dụng. Việc đăng tên miền với tư cách cá nhân, cho phép cấp tên miền ẩn danh. Do đó, khi phát hiện sai phạm, việc truy xuất rất khó khăn.

Bộ Y tế khuyến cáo và khẳng định, không có bất kỳ loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh; Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn