MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bến cóc ngang nhiên tồn tại nhiều năm là nơi đón, trả khách của các nhà xe chạy tuyến cố định nhưng không có cơ quan chức năng nào xử lý (ảnh cắt từ clip).

Bến cóc “khủng” giữa Thủ đô, ĐBQH Bùi Thị An: Quản lý yếu kém, nếu cần thì thay người quản lý

Nhóm PV Bạn đọc LDO | 23/11/2017 15:52
Đó là khẳng định của bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 đánh giá về công tác quản lý của cơ quan chức năng khi để xảy ra tình trạng bến cóc “khủng” (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) tồn tại từ lâu.

Hàng ngày, hàng trăm lượt xe chạy các tuyến cố định ra vào đón trả khách nhưng không bị kiểm tra, xử lý.

Theo đánh giá của bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13, việc tồn tại bến cóc lớn, nhà xe tùy tiện bắt khách dọc đường, lỗi đầu tiên của người quản lý làm chưa nghiêm.

Trong trường hợp các xe vào bến, bắt khách sai quy định xuất hiện nhiều, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng phải vào cuộc, xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, hợp xe chạy lòng vòng đón khách, những người quản lý trực tiếp phải xem xét, đánh giá lại thực trạng này và phải có giải pháp cụ thể.

Bà Bùi Thị An khẳng định: “Rõ ràng trình độ quản lý của mình kém nên sự việc trên diễn ra nhức nhối nhưng vẫn có giải pháp xử lý. Ngoài việc xử phạt “tương xứng” với lỗi vi phạm còn có thể công bố công khai “danh tính” của các nhà xe vi phạm, để triệt tiêu việc bắt khách dọc đường, đỗ bến bãi không đúng quy định".

Thành phố đã lấy mục tiêu kỷ cương, trong đó có vấn đề trật tự đô thị. Trật tự đô thị là việc tham gia giao thông văn minh, dừng đỗ đúng bến, đúng quy định. Bến là bến, bãi là bãi, không thể để chuyện chỗ nào cũng là bến cóc, chỗ nào có thể nhảy lên xe được. Chuyện này không phù hợp với mục tiêu trật tự văn minh đô thị mà TP Hà Nội đang hướng đến”, bà An nhấn mạnh.

Trước tình trạng bến cóc rộng hàng nghìn m2, mỗi ngày bến cóc này có hàng trăm lượt xe chạy các tuyến cố định Hà Nội – Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,… ra vào đón trả khách nhưng không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, bà Bùi Thị An khẳng định: “Phải làm rõ trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ quản lý bến này và đề nghị xử lý triệt để tình trạng trên. Trách nhiệm của người quản lý phải được công khai, nếu cần phải “thay” quản lý”.

Trong trường hợp để tồn tại bến “khủng” nhiều năm, trách nhiệm thuộc về Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và chính quyền địa phương. Họ phải nắm rõ, phát hiện ra sự việc trên, không để đến khi báo chí nêu lên mới vào cuộc. Vì vậy, làm sao trách nhiệm của người quản lý phải phát hiện ra vấn đề, đừng để vấn đề bung ra thì “mất bò mới lo làm chuồng”, gây hậu quả, lãng phí cho xã hội. Bên cạnh đó, người dân nghi ngờ có "bảo kê" đằng sau thì cơ quan chức năng phải làm rõ về vấn đề này, bà An cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn