MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bến bãi mọc lên như nấm trên sông Hồng đoạn hạ lưu cầu Thanh Trì. Ảnh: T.N

Bến thủy không phép ngang nhiên hoạt động trên sông Hồng

TIẾN NGUYỄN LDO | 25/07/2019 07:00

Hàng loạt bến thủy nội địa tại Hà Nội hoạt động không phép nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại, gây thất thu ngân sách nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đường thủy, an toàn đê điều, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Vậy nhưng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng Hà Nội dường như không biết, “ngó lơ” cho chúng lộng hành và ngày càng mở rộng… 

Bến thủy mọc lên như nấm

Xuôi theo quốc lộ 1A, chúng tôi rẽ vào khu vực bờ đê thuộc hạ lưu sông Hồng, đoạn qua địa bàn cầu Thanh Trì (Hà Nội). Hỏi một người dân địa phương về con đường ra khu vực bờ sông Hồng, nơi có hàng chục bãi than, bãi vật liệu xây dựng đang ngày đêm hoạt động, anh này chỉ ngay vào một chiếc xe tải hạng nặng, thùng thành cơi nới hết cỡ, đang chạy băng băng trên con đường đê bêtông trước mặt chúng tôi mà không ngần ngại nói: “Đó, các anh cứ theo chiếc xe tải này là tới, bọn “hổ vồ” này chạy suốt ngày đêm, bám theo nó là sẽ tới các bến bãi ngay” - người này nhấn mạnh.

Chúng tôi bám theo chiếc xe tải, đi vòng quanh các con đường bằng bêtông chừng gần cây số thì tới được bến bãi vật liệu xây dựng mọc ngay cạnh sông Hồng. Thấy chúng tôi, một nam thanh niên từ trong một ngôi lán chạy ra, nhìn chúng tôi với vẻ thiếu thân thiện, cằm hất ngược lên hỏi - “Chúng mày đi đâu đấy?”. Trả lời rằng chúng tôi đang làm dự án, có nhu cầu mua cát về san lấp mặt bằng với số lượng lớn, người thanh niên nhanh chóng thay đổi gương mặt, mời chúng tôi vào lán nói chuyện.

Anh ta cho biết bãi cát ở đây có thể cung cấp vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp mặt bằng không hạn chế số lượng, nếu làm ăn được với nhau anh ta sẽ cho số điện thoại của chủ bãi, còn anh ta cũng chỉ quản lý thuê. Tôi lấy lý do doanh nghiệp cần có hóa đơn giá trị gia tăng mới có thể thanh toán được, nam thanh niên này nói cứ yên tâm, các bãi cát ở đây đều có công ty cả nên có thể xuất hóa đơn thoải mái. Tỏ ra lo lắng về thông tin, các bến thủy nội địa ở đây đều là bến bãi hết phép hoặc không phép, cát khai thác về được bơm từ dưới tàu lên chủ yếu là “cát tặc”, anh này thừa nhận, bến bãi không phép nhưng lại trấn an, hoạt động từ xưa đến nay có sao đâu, “cát tặc” hay cát khai thác ở đâu thì quan trọng gì, miễn sao xe chở đến tận nơi công trình cho là được.

Theo quan sát của Báo Lao Động, khu vực bến bãi này trải dài nhiều cây số ven sông Hồng đoạn hạ lưu cầu Thanh Trì. Các bến bãi gần như không có tên, địa chỉ, nhưng hoạt động hết sức tấp nập, tàu bè chở cát, đá, sỏi, than bốc dỡ ngày đêm. Trên bến, hàng trăm chiếc xe tải hạng nặng, được cơi nới thùng thành, che đậy sơ sài, chạy rầm rầm. Ở mép bờ sông, các vòi bạch tuộc to như cây chuối được thả tự do xuống mép nước sông Hồng chờ tàu cát về là bơm hút lên bãi. Cả khu vực bờ đê sông Hồng như một công trường lớn, khói bụi, tiếng ồn luôn luôn hiện hữu, khiến cuộc sống của người dân cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.

Toàn bộ là không phép

Theo tìm hiểu của Báo Lao Động, mặc dù có hàng chục các bến thủy nội địa đang ngang nhiên hoạt động công khi dọc theo sông Hồng đoạn qua khu vực hạ lưu cầu Thanh Trì. Tuy nhiên, một điều lạ là các bến này đều hết phép hoạt động hoặc hoạt động không phép. Điển hình là tại bờ phải sông Hồng, bến thủy của Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Hồng Anh có địa chỉ tại Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội, hoạt động ở vị trí từ Km174+850 đến Km175, có giấy phép hoạt động bốc dỡ hàng hóa do Cảng vụ 2 cấp tới ngày 30.10.2013, hiện đã hết hạn từ lâu nhưng vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí người dân địa phương cho biết, bến bãi này còn hoạt động tấp nập hơn xưa.

Tương tự, bến Thanh Sơn của Công ty cổ phần thương mại Thanh Sơn, có địa chỉ tại Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội, được Cảng vụ 2 cấp phép hoạt động bốc dỡ hàng hóa từ Km175 đến Km175+100, đã hết hạn ngày 21.1.2014, nhưng hiện nay vẫn đang hoạt động tấp nập. Hay như bến Trung Kiên, do ông Nguyễn Văn Bính làm chủ, được Cảng vụ 2 cấp phép hoạt động từ Km175+120 đến Km175+200, hết hạn ngày 15.12.2011, nhưng hiện nay vẫn hoạt động…

Bên cạnh đó, tại bờ trái sông Hồng, bến Văn Đức do HTX công nghiệp 22/12, có địa chỉ tại Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội, được Cảng vụ 2 cấp phép từ Km168+310 đến Km168+369, hoạt động bốc xếp hàng hóa, đã hết hạn ngày 31.12.2013, nhưng nay vẫn hoạt động. Bến Hà Trang 2 do công ty TNHH kinh doanh vận tải và vận chuyển Hà Trang, có địa chỉ tại Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội, được Cảng vụ 2 cấp phép từ Km170+200 đến Km170+600, đã hết hạn ngày 1.10.2013, nhưng nay vẫn hoạt động công khai.

Ngoài ra, cũng theo tìm hiểu của Báo Lao Động, hàng chục bến bãi khác dọc sông Hồng đoạn qua hạ lưu hiện đang hoạt động không phép, hết phép nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thì dường như “bỏ ngỏ” để chúng tồn tại. Nhiều bãi cát và bãi than vi phạm nghiêm trọng hành lang đê điều, hành lang thoát lũ, gây thất thu tài nguyên, ngân sách. Thế nhưng, tại sao chúng vẫn tồn tại? 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn