MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công việc làm thuê tại lò sấy giun cho thu nhập 50 nghìn đồng/ngày. Ảnh: Lam Thanh

Bên trong các lò sấy tiếp tay cho "giun tặc" lộng hành

Lam Thanh LDO | 24/09/2023 13:02

Tuyên Quang - Các lò sấy trên địa bàn xã Xuân Vân chuyên thu mua giun của người dân về làm khô rồi bán cho thương lái. Những ngày cao điểm, thu nhập từ bán giun lên tới cả chục triệu đồng.

Theo tìm hiểu, hiện nay, có hàng chục lò sấy giun hoạt động tại Xuân Vân, Trung Trực (huyện Yên Sơn), huyện Hàm Yên, huyện Sơn Dương. Để làm rõ vấn đề này, PV trong vai người có nhu cầu mua giun để tiếp cận một lò sấy trên địa bàn xã Xuân Vân.

Tại gia đình người đàn ông tên Giang (nhân vật đã đổi tên), PV được tận mắt chứng kiến các quy trình làm giun. Cũng tại thời điểm đó, 1 thương lái từ huyện Sơn Dương đang thu mua giun khô từ lò này.

This browser does not support the video element.

Một lò sấy giun trên địa bàn xã Xuân Vân.

Theo ông Giang, nhà chỉ có 1 lò sấy hoạt động. Đa phần là thu mua giun từ các cơ sở nhỏ rồi về bán cho thương lái.

Vào mùa mưa, trung bình một ngày lò sấy nhà ông Giang thu mua được 4 tạ giun. Ngày đỉnh điểm nhất lên tới 8 tạ giun tươi. Cứ 10 kg giun tươi, lò sấy sẽ làm ra 1 kg giun khô. Sau khi gom đủ số lượng giun khô, các thương lái sẽ đến tận nhà mua.

Cũng theo ông Giang, giờ đây, các chủ lò thường cấp máy kích giun cho người dân sử dụng. Sau khi bắt được giun thì về bán lại cho các chủ lò. Điều này nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Lò sấy giun được thiết kế khá đơn giản. Ảnh: Lam Thanh

Sau 1 lúc trò chuyện, PV được đi thực tế xem lò giun tại nhà ông Giang. Theo quan sát, đang có 2 người sơ chế, sấy giun tại đây. Qua một 1 máy xay, giun được tách làm đôi. Tiếp đến, giun sẽ được rửa sạch rồi cho lên khay để sấy.

Quá trình mổ giun, nước thải được xả trực tiếp xuống cống. Những dòng nước màu vàng, đặc quánh lẫn với bùn đất.

Theo quan sát, lò sấy giun được thiết kế khá đơn giản. Chỉ cần xây bao một lớp gạch, bên dưới dùng củi để sấy. Dù diện tích mỗi lò sấy khá hẹp nhưng khi dùng hết công suất có thể sấy được cả tạ giun tươi.

Tại lò sấy, mỗi người sẽ đảm nhận một khâu từ xay tách giun, rửa sạch, phơi, sấy. Theo người phụ nữ làm thuê tại lò sấy, công việc này cho thu nhập 50 nghìn đồng/ngày.

Được biết, mối quen thu mua giun của ông Giang thường ở Sơn Dương (Tuyên Quang), thậm chí là các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Sơn La.

Ông Giang cho biết: "Mới đây, xã gọi các gia đình có lò sấy giun lên để ký cam kết không kích điện, bắt giun. Mọi người đang bàn nhau sẽ làm giấy phép kinh doanh để hợp thức hóa việc nuôi, sấy, bán giun. Trước đó, một số người tại Tuyên Quang cũng đã làm theo hình thức này".

Nước thải trong quá trình sơ chế giun xả thẳng xuống cống. Ảnh: Lam Thanh

Quá trình tại nhà ông Giang, PV bắt chuyện với 1 thương lái tên M.V.H (Sơn Dương) đang mua giun. Người này cho hay, chuyên đi thu mua giun khô rồi về bán cho khách ở Trung Quốc.

"Khi mình gom đủ vài tấn rồi gọi điện, họ sẽ tới lấy. Cũng không biết họ mua về làm gì, thấy có người mua được giá thì mình gom về rồi bán lại cho họ thôi.

Giun bán được giá nên nhiều năm nay người dân làm nhiều. Tại tỉnh Tuyên Quang cũng có 1 vài cơ sở lớn thu mua của dân rồi bán lại cho thương lái Trung Quốc" - thương lái H chia sẻ.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Triệu Ngọc Lý - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân - nói rằng, một số chủ lò có đề cập đến vấn đề xin làm thủ tục để nuôi sinh vật. Tuy nhiên, khi địa phương trao đổi về nuôi nhưng không được dùng kích để bắt thì họ không đồng ý.

Còn theo ông Tạ Văn Tình - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Sơn, địa phương đã có chỉ đạo đến các xã nhằm tuyên truyền, vận động người dân không kích, bắt giun. Còn việc xin thủ tục nuôi giun thì hiện chưa có trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn