MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên trong phòng môi giới đưa người đi nước ngoài lọc máu ngừa đột quỵ. Ảnh: Nhóm PV.

Bên trong phòng môi giới đưa người đi nước ngoài lọc máu ngừa đột quỵ

NHÓM PV LDO | 16/12/2023 06:47

Nổi lên như một xu hướng sau COVID-19, lọc máu ngừa đột quỵ dù là dịch vụ không được cấp phép nhưng vẫn được nhiều cơ sở y tế quảng cáo rầm rộ và lách luật để thực hiện. Tiếp tục hành trình tìm hiểu về các gói tầm soát đột quỵ, việc môi giới đưa người đi nước ngoài lọc máu được PV ghi nhận.

Ngoài tầm soát đột quy bằng xét nghiệm máu, hình ảnh, chụp CT MRI… lọc máu dự phòng là phương pháp thường xuyên được nhiều cơ sở y tế quảng cáo để thu hút người mua gói tầm soát đột quỵ với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.

Quảng cáo của các cơ sở y tế về dịch vụ lọc máu ngừa đột quỵ. Ảnh: Nhóm PV

Trái với những quảng cáo "thần thánh" hoá tác dụng của phương pháp lọc máu dự phòng, bên lề những cuộc tư vấn với nhân viên tại nhiều cơ sở y tế, sự thật về tác dụng của dịch vụ này được nhiều lần tiết lộ.

"Theo em biết thì lọc máu ngừa đột quỵ ở ngoài Hà Nội là chưa được cấp phép, có một vài bệnh viện làm nhưng họ "lách" luật thôi. Thực tế, lọc máu không thể ngừa được đột quỵ mà chỉ làm sạch phần nào máu trong thời gian ngắn.

Chị tưởng tượng giống như mình uống vitamin A ấy, có người uống thấy tốt có người thấy không, lọc máu cũng thế, không có giá trị nhiều", T.A - nhân viên tư vấn của một phòng khám tiết lộ.

This browser does not support the video element.

Lách luật, môi giới người đi Nhật Bản lọc máu ngừa đột quỵ

Chi phí đắt đỏ, ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn, biến chứng với bệnh nhân, tuy nhiên việc kinh doanh, môi giới người đi nước ngoài lọc máu ngừa đột quỵ được Công ty cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản (JVI) thường xuyên giới thiệu tại các kênh truyền thông.

Giới thiệu là người có nhu cầu tư vấn lọc máu ngừa đột quỵ, chúng tôi được T - nhân viên của JVI hẹn đến tư vấn dịch vụ tại tầng 12, toà nhà ICON4, 243A Đê La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội).

Trụ sở của Công ty cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản (JVI) - nơi diễn ra các cuộc tư vấn môi giới người đi nước ngoài lọc máu ngừa đột quỵ. Ảnh: Nhóm PV.

T cho biết, sau COVID-19, lọc máu ngừa đột quỵ trở thành trend (xu hướng) nhờ truyền thông. Vì ở trong nước, phương pháp này chưa được cấp phép nên công ty JVI tạo ra dịch vụ môi giới đưa người đi Nhật Bản lọc máu. Riêng trong năm 2023, công ty này đã đưa thành công 50 người đi Nhật Bản lọc máu dự phòng.

"Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ là do mạch máu xơ vữa làm máu trong mạch tắc nghẽn, không tuần hoàn được dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Lọc máu thì nó sẽ giúp giảm cái nguy cơ đấy.

Bản chất của việc lọc máu là loại bỏ cholesterol xấu, chất gây viêm, tạp chất. Máu của mình có 2 thành phần là hồng cầu và huyết tương, những chất xấu ấy thì nó sẽ ở phần huyết tương. Lọc máu dự phòng là người ta sẽ tách 1 phần huyết tương ra khỏi máu, loại bỏ chất bẩn trong huyết tương, hoà vào hồng cầu và bơm trở lại cơ thể. Phương pháp này rất an toàn, không có biến chứng gì cả", T cho hay.

T đang tư vấn cho PV về dịch vụ lọc máu ngừa đột quỵ của Công ty cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản (JVI). Ảnh: Nhóm PV.

Tiếp tục quảng cáo về dịch vụ của JVI, T cho biết, giá của mỗi lần lọc máu tại Nhật mà công ty này cung cấp là 120 triệu đồng, chưa kể các chi phí như vé máy bay, đi lại, ăn ở, phiên dịch… tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng/lần lọc máu.

Để thuận lợi cho khách hàng, JVI còn cung cấp luôn cả dịch vụ “lo” visa, tùy vào thời gian thăm khám sẽ làm visa du lịch hay y tế cho khách cùng cam kết an toàn, theo tiêu chuẩn Nhật.

"Giá của mỗi lần lọc máu là 120 triệu đồng, thêm cả chi phí ăn ở, đi lại, phiên dịch thì vào khoảng trên dưới 200 triệu đồng. Bên em sẽ "lo" luôn cả visa cho khách. Thường đi khám bệnh thì phải xuất cảnh bằng visa y tế nhưng để rẻ thì bên em thường làm cho khách visa du lịch, có hẳn 1 công ty lo cái này. Giá visa khoảng 2,5 triệu đồng.

Nếu lọc máu xong mà thấy vẫn chưa ổn lắm thì mình làm tế bào gốc, khoảng 48.000 USD (xấp xỉ 1 tỉ đồng). Những dịch vụ này đều chưa được cấp phép trong nước, bên em cũng nhiều người muốn đầu tư lắm nhưng chưa lôi về được nên đành mang người ra nước ngoài làm vậy", T chia sẻ.

Lọc máu không thể dự phòng đột quỵ

TS.Bs Nguyễn Thị Mai Ngọc – Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, lọc máu không thể phòng ngừa đột quỵ.

"Lọc máu là một phương pháp làm sạch máu trong cơ thể, giúp điều trị những rối loạn bệnh lý mà thuốc hoặc phẫu thuật không thể thực hiện. Đây là phương pháp điều trị chứ không phải tầm soát.

Còn đột quỵ liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch... Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ. Lọc máu không dùng để hạn chế đột quỵ. Quảng cáo lọc máu để phòng ngừa, tầm soát đột quỵ là không hợp lý", bác sĩ Ngọc phân tích.

Thường xuyên thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, Bác sĩ Bùi Quốc Việt cho biết, dịch vụ lọc máu ngừa đột quỵ hiện không được sử dụng tại các bệnh viện lớn trong nước.

Ngoài không mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa đột quỵ, phương pháp này còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ biến chứng, người bệnh phải thực sự cân nhắc trước khi sử dụng dịch vụ này.

Bác sĩ Bùi Quốc Việt, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nhóm PV

Không chỉ được quảng cáo rầm rộ bởi Công ty cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản (JVI), dịch vụ lọc máu ngừa đột quỵ được nhiều bệnh viện lớn trên cả nước giới thiệu rầm rộ. Đặc biệt là các bệnh viện phía nam.

Loạt cơ sở quảng cáo về dịch vụ lọc máu ngừa đột quỵ. Ảnh: Nhóm PV.

Để tránh mất số tiền lớn mà không đạt được hiệu quả phòng ngừa đột quỵ như mong muốn, người bệnh nên tìm đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa đột quỵ, tim mạch. Chỉ thực hiện các thủ thuật, dịch vụ… khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn