MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhi nhập Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng có nhiều vết thương vùng mặt và đầu do bị chó cắn. Ảnh: Trường Giang

Bệnh dại ở Việt Nam gia tăng, quản lý vật nuôi lỏng lẻo

Lệ Hà LDO | 20/02/2024 14:03

Chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào. Nhiều trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn rất thương tâm.

Nhiều ca bị súc vật cắn thương tâm

Điển hình như bé trai 7 tuổi (ở Bắc Giang), đi chúc Tết nhà bà ngoại bị chó (chưa được tiêm phòng dại) bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi, đến mức lộ ruột ra ngoài và thủng ruột. Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trẻ được cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó được tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại kịp thời.

Một trường hợp khác là bé gái 6 tuổi (ở Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị chó nhà nuôi (chưa tiêm phòng bệnh dại) cắn, day vào đầu, mặt khiến lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu.

Sau khi được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Vân Đình, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị và tiêm huyết thanh, vaccine phòng bệnh dại.

Tại tỉnh Phú Yên vừa xảy ra một trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân bị chó cắn trước đó khoảng 15 ngày nhưng không đi tiêm vaccine phòng ngừa bệnh dại.

Tại tỉnh Bình Thuận, bé gái 4 tuổi bị chó của gia đình hàng xóm cắn, 9 ngày sau bé tử vong do bệnh dại.

Ngày 16.2, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bé gái T.T.H.T (4 tuổi, ngụ xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị bệnh dại vì chó cắn. Do bé mắc bệnh dại nặng nên bệnh viện cho về nhà.

Mắc bệnh dại không còn cơ hội sống, cần chủ động phòng bệnh

TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết: Mặc dù đã được dự phòng bằng vaccine, thế giới vẫn ghi nhận khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm.

Tại Việt Nam, gần 500.000 người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại tại các cơ sở y tế. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong dại trên người chủ yếu là do người bị chó mèo cắn không tiêm phòng dại. Nguyên nhân gián tiếp là do tỉ lệ tiêm phòng trên đàn chó mèo còn thấp.

Các trường hợp tử vong do bệnh dại, không đi tiêm phòng vaccine gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.

"Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ" - TS Nguyễn Lương Tâm nói.

Tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), gần 500.000 người phải tiêm vaccine phòng dại với giá mỗi liều là 1,2-1,7 triệu đồng, ước tính người dân phải bỏ ra khoảng 600 tỉ đồng.

Ngoài ra, nước ta cũng phải tiêm phòng bệnh dại cho 8 triệu con chó, mèo, mỗi mũi khoảng 50.000 đồng.

“Hầu hết các trường hợp tử vong tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ với nguyên nhân chủ yếu do công tác phòng, chống dịch bệnh chưa hiệu quả, tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại trên người và động vật còn thấp" - ông Tâm nhấn mạnh.

Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vaccine đầu tiên. Tiêm vaccine phòng dại sớm với số liều tùy thuộc miễn dịch với dại đã có trước đó, tình trạng vết cắn và tình trạng con vật theo dõi được. Nếu người bị súc vật tấn công không được dự phòng bằng tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại kịp thời, thì khả năng mắc bệnh dại là rất lớn, khi đó tỉ lệ sống sót gần như không còn.

Để chủ động kiểm soát tốt bệnh dại trong thời gian tới, các cấp các ngành cần quản lý tốt và tiêm phòng dại cho đàn chó mèo đạt 70-80%. Nâng cao nhận thức, năng lực của hệ thống giám sát, điều tra xử lý ổ dịch; nâng cao năng lực chẩn đoán xét nghiệm và chuyên môn trong xử lý bệnh dại.

Bên cạnh đó cần xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên động vật đặc biệt ở các thành phố lớn và các vùng du lịch; chủ động xử lý sớm cho những người không may bị chó dại cắn.

Việt Nam ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại trong năm 2023, tăng 12 trường hợp so với năm 2022. Gần đây, nhiều tỉnh thành liên tục ghi nhận các ca tử vong do bệnh dại trong khi tình trạng nuôi chó thả rông không rọ mõm vẫn tiếp diễn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn