MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột - nơi bệnh nhân N.T. tử vong. Ảnh: Bảo Trung

Bệnh nhân tử vong bất thường sau khi thay van động mạch chủ

BẢO TRUNG LDO | 20/08/2024 10:25

Ngày 20.8, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo chi tiết gửi các đơn vị liên quan đối với trường hợp tử vong của bệnh nhân N.T. tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột.

Quá trình nhập viện và tử vong của bệnh nhân

Bệnh nhân N.T. (SN 1957, trú tại thành phố Đà Nẵng) tử vong vào ngày 28.7 sau khi thay van động mạch chủ qua da.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân thường xuyên có triệu chứng khó thở, mệt ngực, thường xuyên chóng mặt, xuất hiện nhiều đợt ngất.

Sáng 27.7, bệnh nhân đến khám tại Phòng Khám nội tim mạch (Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột) với lý do đau ngực trái hơn 20 phút. Tiền sử bệnh hẹp động mạch chủ.

Sau đó, các bác sĩ đã hội chẩn thống nhất chỉ định bệnh nhân thay van động mạch chủ qua da với chẩn đoán hẹp nặng van động mạch chủ (van động mạch chủ hai lá).

Tiếp đó, bác sĩ gặp trực tiếp con trai bệnh nhân  để giải thích kết quả thủ thuật, khả năng biến chứng, tình trạng bệnh nặng, tiên lượng tử vong cao.

Trải qua quá trình thủ thuật thay van động mạch chủ qua da, đến 22h15', ngày 28.7, sau khi hồi sức tích cực kéo dài, bệnh nhân  đã tử vong.

Đáng chú ý, quá trình thay van động mạch chủ qua da của bệnh nhân  tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột còn có sự tham gia của một nhóm bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai.

Còn có một số sai sót

Ngày 12.8, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Hội đồng chuyên môn bao gồm 9 thành viên đánh giá trường hợp bà Â tử vong.

Theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn (Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột), trong quá trình can thiệp, khi phát hiện bệnh nhân có các lỗ rò dẫn đến tràn máu ngoài màng tim, ê kíp đã tiến hành hội chẩn với bác sĩ ngoại lồng ngực - mạch máu, chỉ định chọc dò dịch màng tim và mở lồng ngực giải áp buồng tim.

Nguyên nhân bệnh nhân  tử vong là do bị vỡ động mạch, tổn thương tim có tràn máu màng tim, tràn máu màng ngoài tim; chèn ép tim cấp; rung thất và cuồng thất; ngừng tuần hoàn hô hấp sau can thiệp thay van động mạch chủ qua da, trên nền bệnh nhân hẹp khít van động mạch chủ...

Bệnh nhân  bị bệnh van động mạch chủ hai mảnh, theo dõi bệnh cơ tim thoái hoá dạng bột (Amyloidosis), tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

Theo Sở Y tế Đắk Lắk, khi xảy ra biến chứng, tai biến thì việc chỉ định mở ngực là chưa phù hợp vì chưa có đội ngũ phẫu thuật tim, chưa có tuần hoàn ngoài cơ thể và các máy móc hỗ trợ hồi sức tim. Bác sĩ điều trị chưa thực hiện CT tim nên chưa đánh giá được tổn thương cấu trúc van tim và cơ tim.

Ngoài ra, còn có một số sai sót về quy chế hội chẩn như quy trình hội chẩn không theo quy định, chưa hội chẩn cấp khoa, liên khoa, cấp toàn viện trước khi mời chuyên gia, chưa hội chẩn ngoại khoa trước mổ.

Trao đổi với Lao Động, đại diện Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk xác nhận, đây là lần đầu tiên ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra vụ việc tử vong đáng tiếc như trường hợp bệnh nhân N.T.Â.

Đối với câu hỏi, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cùng với phía Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột thay van động mạch chủ qua da cho bệnh nhân là có sự phối hợp từ trước hay đi làm thêm ngoài giờ, đại diện Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk - xác nhận: "Cơ quan chức năng đang làm rõ vấn đề này, đơn vị sẽ phản hồi sau khi có kết quả chính xác".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn