MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình có trẻ mắc tay chân miệng nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, không tự ý điều trị ở nhà. Ảnh: Nguyên Anh

Bệnh tay chân miệng ở Kiên Giang tăng đột biến, chạm mốc 1.000 ca

NGUYÊN ANH LDO | 01/08/2023 15:54

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Kiên Giang, ngày 31.7.2023 toàn tỉnh ghi nhận 13 trường hợp mắc tay chân miệng, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 1.000 ca.

Những ngày qua, dịch bệnh tay chân miệng diễn ra ở Kiên Giang khá phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh đột biến, bệnh nhân trở nặng khó lường.

Theo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, số ca bệnh tăng hơn 47% so cùng kỳ năm 2022, chủ yếu ở TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, huyện Châu Thành, huyện Giồng Riềng, TP Hà Tiên. Tỉnh đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong ở TP Rạch Giá có 2 ca, huyện Châu Thành 1 ca.

Bác sĩ Chuyên khoa II Danh Tý - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang - cho biết, hiện đang lưu hành chủng virus EV71, dễ dàng lây nhiễm bệnh lẫn nhau trong sinh hoạt thường ngày, nhất là ở nhà giữ trẻ, trường mầm non. Bệnh diễn tiến trở nặng nhanh nên các gia đình có trẻ mắc nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, không tự ý điều trị ở nhà.

Những ca bệnh mà Bệnh viện Sản nhi Kiên Giang đã tiếp nhận gần đây tăng 5-6 lần so cùng kỳ. Trong đó, bệnh từ độ 2A, 2B độ 3, độ 4, đã có 10 ca nặng phải chuyển lên tuyến trên.

Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh - yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Không chủ quan, lơ là dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, đã gần đến thời điểm tựu trường cho năm học mới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra, hỗ trợ các địa bàn và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Tổ chức truyền thông tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về bệnh tay chân miệng. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Các đơn vị trực thuộc theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn