MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người bệnh đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thùy Linh

Bệnh viện Bạch Mai được kiến nghị đầu tư hơn 1.130 tỉ đồng

Nhóm PV LDO | 23/10/2023 21:01

Trong 4 dự án của Bộ Y tế được đề nghị bố trí vốn, Bệnh viện Bạch Mai được kiến nghị đầu tư 2 dự án với tổng số vốn là hơn 1.130 tỉ đồng.

Chiều 23.10, tại Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Đáng chú ý là kiến nghị bố trí 2.900 tỉ đồng "tăng thu, tiết kiệm chi" để đầu tư trang thiết bị, công trình ngành y tế.

Theo đó, có 4 dự án của Bộ Y tế được đề nghị bố trí vốn hơn 2.420 tỉ đồng, gồm: Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ 790 tỉ đồng; đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Bạch Mai 790 tỉ đồng, đầu tư khoa khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai 340,7 tỉ đồng; mua sắm trang thiết bị y tế, cải tạo Bệnh viện Chợ Rẫy 500 tỉ đồng.

Một dự án y tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được đề nghị bố trí vốn 500 tỉ đồng là dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế tòa nhà trung tâm khoa khám bệnh và kỹ thuật nghiệp vụ - Bệnh viện Đại học Y dược.

Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất chủ trương báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định về nội dung này.

Theo báo cáo của Chính phủ, các dự án được đề xuất của ngành y tế thực sự cấp bách, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau gần 2 năm triển khai cho thấy, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong hoàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Nghị quyết được ban hành tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cổ vũ tinh thần cho người dân, doanh nghiệp và bổ sung một nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau dịch COVID-19, được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế.

Báo cáo kết quả thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, đã giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo số liệu việc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến cuối tháng 8.2023, số tiền hỗ trợ lãi suất tương đương khoảng 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định, dư nợ đạt gần 57.000 tỉ đồng cho hơn 2.100 khách hàng.

Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 9.2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân tín dụng ưu đãi đạt hơn 21.000 tỉ đồng cho hơn 366.000 lượt khách hàng; đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỉ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 128.746 lượt người sử dụng lao động và 5.194.162 lượt lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn