MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện cần thiết bị y tế để điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: hải nguyễn

Bệnh viện bớt nỗi sợ đấu thầu khi có Thông tư 14

Nguyễn Ly LDO | 05/07/2023 06:30

Đại diện các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh cho rằng, đã phần nào bớt được “nỗi sợ đấu thầu” kéo dài trong suốt thời gian qua sau khi Thông tư 14/2023/TT-BYT về xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực từ ngày 1.7.

Thông tư 14 mở đường cho trang thiết bị y tế vào bệnh viện

Bệnh viện Lê Văn Thịnh TP Hồ Chí Minh là bệnh viện hạng II của thành phố hàng năm có nhiều gói đấu thầu lớn nhỏ được thực hiện nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Nhưng bệnh viện này cùng các cơ sở y tế khác gặp khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế vì Luật Đấu thầu còn nhiều bất cập. Từ ngày 1.7, Thông tư 14 có hiệu lực, ngành y tế đồng loạt được tháo gỡ.

BS.CKII Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, trước kia muốn tổ chức đấu thầu và trúng thầu bắt buộc phải có 3 báo giá, sử dụng giá thấp nhất, còn hiện nay căn cứ Thông tư 14 và Hội đồng khoa học công nghệ của bệnh viện đồng xem xét, quyết định. Hội đồng này sẽ lựa chọn được những sản phẩm tốt, những tính năng kĩ thuật đáp ứng được nhu cầu điều trị, sửa chữa, phù hợp với nguồn kinh phí dự trù…

Trong hội đồng này có các chuyên gia, đội ngũ y tế có khả năng kiểm định và đánh giá chất lượng của sản phẩm có phù hợp hay không? Bộ phận tài chính cũng phải cân đối để đấu thầu thuận lợi.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho biết thêm, dù Thông tư 14 ra đời đã tháo gỡ những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên hiện chỉ hết năm 2023. Vì vậy về lâu dài cần thông tư mang tính bền vững, giải quyết căn cơ hơn.

Cùng với đó, nếu muốn hạn chế tính rủi ro trong đấu thầu thiết bị y tế, đòi hỏi Ban giám đốc bệnh viện có quy định chặt chẽ trong đấu thầu.

Ví dụ: Một sản phẩm muốn vào bệnh viện phải thông qua các nhà chuyên môn, trưởng khoa, phó khoa… người sử dụng trực tiếp có ý kiến. Sau đó, hội đồng chuyên môn quyết định sản phẩm nào phù hợp nhất nhằm tránh tình trạng chỉ định thầu, không có tính dân chủ.

Bệnh viện nhanh chóng cung ứng thiết bị y tế điều trị bệnh nhân (ảnh minh hoạ). Ảnh: NGUYỄN LY

Đơn vị y tế yên tâm đấu thầu

Hồi tháng 3, Nghị quyết 30 của Chính phủ ban hành đã gỡ rối về việc xây dựng gói thầu trang thiết bị. Tuy nhiên, các gói thầu hàng hóa dịch vụ liên quan đến trang thiết bị như linh kiện, phụ kiện, dịch vụ bảo hành bảo trì vẫn chưa được hướng dẫn. Thông tư 14 ra đời giải quyết được tắc nghẽn này.

Cũng theo Thông tư 14, phương pháp xác định giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế theo một trong các phương pháp như: Báo giá do các nhà cung cấp thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế; hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; kết quả thẩm định giá.

Riêng đối với phương pháp sử dụng kết quả thẩm định giá, điểm mới ở Thông tư 14 là chủ đầu tư không phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá do đơn vị thẩm định giá cung cấp.

Đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước đây, nếu kết quả thẩm định giá không phù hợp hoặc có vấn đề sai phạm, chủ đầu tư vẫn phải chịu một phần trách nhiệm. Trong khi thực tế, việc kiểm tra rà soát lại các báo cáo thẩm định giá lại vượt khả năng của chủ đầu tư. Thông tư 14 quy định rõ chủ đầu tư không phải chịu trách nhiệm về thẩm định giá do các đơn vị thẩm định giá cung cấp. Điều này phù hợp với thực tiễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn