MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đến mua thuốc tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Bảo Trung

Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên thiếu từ thuốc chữa bệnh đến bác sĩ

BẢO TRUNG LDO | 09/10/2023 15:14

Đắk Lắk - Tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đang xảy ra tình trạng thiếu thuốc men điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, các bác sĩ có tay nghề liên tục xin nghỉ việc chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân.

Ngày 9.10, nguồn tin của báo Lao Động xác nhận, trước dự báo những tháng cuối năm dịch bệnh sốt xuất huyết, Tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm khác tiếp tục tăng tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhưng đến nay tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, một số thuốc điều trị đặc hiệu đang thiếu hoặc đang vướng mắc về thanh toán Bảo hiểm y tế.

Cụ thể, bệnh viện thiếu một số thuốc và kê đơn cho bệnh nhân ra ngoài mua. Hiện nay, thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đã hết, thuốc vận mạch Dopamin sử dụng trong cấp cứu không trúng thầu, một số loại điều trị sốt xuất huyết nặng bảo hiểm y tế chưa thống nhất thanh toán.

Bên cạnh đó, do vướng mắc trong đấu thầu nên các loại thuốc như Immune Globulin 2.5g/50ml, Glucose 5%, huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, huyết thanh kháng nọc rắn tre, huyết thanh kháng uốn ván, Paracetamol 1g/100ml.... hiện bệnh nhân vẫn phải tự mua.

Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế tại bệnh viện được đầu tư lâu năm đã cũ, xuống cấp, hư hỏng thường xuyên, số lượng không đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Ví như, máy CT Scanner, máy MRI, máy DSA, máy lọc thận nhân tạo không đủ đáp ứng số lượng bệnh nhân.

Từ tháng 6.2023 đến nay, bệnh viện hết hóa chất xét nghiệm sàng lọc máu nên phải ký hợp đồng cung cấp máu.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thừa nhận: Nhân lực có trình độ chuyên môn cao có xu hướng nghỉ việc chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có thu nhập cao và môi trường làm việc tốt hơn. Từ đầu năm đến nay đã có 16 nhân viên nghỉ việc và chuyển công tác.

Đặc biệt dự kiến năm 2025, Trung tâm Ung bướu đi vào hoạt động, nhưng đang có một số vị trí nhân lực rất khó tuyển dụng nhất là những vị trí công việc đặc thù, cần trình độ chuyên môn cao, như bác sĩ chuyên khoa ung bướu, kỹ sư vật lý, kỹ thuật viên xạ trị… Nếu không có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích và thu hút những người có trình độ chuyên môn cao, đặc thù thì sắp tới đơn vị sẽ thiếu nhân lực trầm trọng.

Trước tình hình trên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đề nghị Sở Y tế tỉnh sớm đấu thầu lại các thuốc không lựa chọn được kết quả thuộc danh mục thuốc đấu thầu cấp địa phương để có đủ thuốc điều trị cho bệnh nhân. Sở cần có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp điều chỉnh giá kế hoạch, rút ngắn thời gian thẩm định các gói thầu cấp cơ sở và có hướng chỉ đạo xử lý vaccin COVID-19 hết hạn.

Kiến nghị với Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật chung đối với từng chủng loại vật tư, thiết bị cụ thể; danh mục các máy móc sử dụng hóa chất đóng, danh mục hóa chất kèm theo và hình thức mua sắm đối với các loại hóa chất này, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng thông số kỹ thuật khi triển khai đấu thầu mua sắm vật tư tiêu hao, trang thiết bị.

Như Báo Lao Động đã thông tin, dù đã vận hành, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân trong hơn 4 năm qua nhưng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (cơ sở y tế công lập tuyến cuối của cả vùng Tây Nguyên) vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động chính thức. Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trước tình hình trên đã cấp Giấy phép hoạt động tạm thời số 0105/ĐL-GPHĐ ngày 28.12.2021 và gia hạn lần 2 tại Công văn số 4363/SYT-NVYD ngày 26.12.2022 cho đến khi có Giấy phép hoạt động thay thế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn