MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trước tình trạng thiếu trầm trọng lượng máu để phẫu thuật giữa dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp, người dân đến hiến máu cứu người tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (ảnh chụp sáng 9.2). Ảnh: Vương Tuấn

Bệnh viện phải huy động cả người nhà hiến máu

Thùy Linh - Thảo Anh LDO | 10/02/2020 15:00
Sau Tết Nguyên đán và do dịch bệnh virus Corona diễn biến phức tạp khiến tình trạng thiếu máu cho điều trị, phẫu thuật tại các bệnh viện càng trầm trọng hơn. Máu lại không thể dự trữ nhiều vì có hạn sử dụng rất ngắn nên các kho máu lớn của cả nước đang trong tình trạng cạn kiệt.

Sau Tết lại dịch bệnh, những kho máu lớn nhất đều cạn

Bệnh viện hữu nghị Việt Đức nơi thực hiện 70.000 ca phẫu thuật lớn mỗi năm nay đang trong tình trạng khan hiếm máu trầm trọng, có thời điểm cả kho máu chỉ còn 12 đơn vị máu. ThS. Vi Quỳnh Hoa, Giám đốc Trung tâm Truyền máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, những ngày vừa qua, lượng máu trong kho máu của bệnh viện rơi vào tình trạng cạn kiệt, có lúc trong kho máu chỉ còn 10 đơn vị máu O, 2 đơn vị máu A.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt tuyến đầu của cả nước, thường xuyên tiếp nhận các trường hợp chấn thương nặng, đa chấn thương với tổng số ca mổ trên 70.000 ca/năm. Sau dịp Tết, tình trạng máu cạn kiệt dẫn tới không có nguồn máu cung cấp cho các trường hợp cấp cứu; các trường hợp mổ phiên được khắc phục bằng cách kêu gọi người nhà hiến máu.

Trong khi đó, tại Trung tâm máu Quốc gia, BSCKII Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm cho biết, do lo ngại về việc lây nhiễm virus Corona, hàng loạt ngày hiến máu đã bị hủy bỏ. 

Cụ thể, từ 29 tháng Chạp đến mùng 10 Tết, viện chỉ tiếp nhận được 470 đơn vị máu. Cả trong và sau Tết, viện đã huy động hàng trăm cán bộ, nhân viên đi hiến máu nhưng vẫn chỉ như “muối bỏ biển”, không đủ để cứu chữa người bệnh. Có những ngày, tại kho máu, các ngăn tủ chứa máu nhóm A và nhóm O gần như trống trơn. Lượng máu nhóm A tại kho chỉ còn hơn 400 đơn vị, không đủ dùng trong một ngày. Hồng cầu, tiểu cầu cũng đang thiếu hụt trầm trọng.

Trong khi đó theo bác sĩ Dương mỗi ngày, lượng máu mà các bệnh viện cần tới vẫn đều đặn ở con số “khổng lồ” là 1.500 đơn vị. Tình trạng này khiến cho các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong điều trị cho các bệnh nhân. Đơn cử như ngày 3.2, các bệnh viện đã dự trù 1.448 đơn vị máu, nhưng chỉ có thể cung cấp 766 đơn vị, chỉ đạt được 53% so với dự trù. Nếu cứ tiếp tục dùng máu như bình thường, lượng máu này chỉ đủ cầm cự trong 4 ngày.

“Do vậy, bên cạnh việc hạn chế chỉ định sử dụng máu, ưu tiên các trường hợp nặng, các bệnh nhân muốn truyền máu phải huy động được người nhà đến hiến”, Phó Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương nói. 

Vừa hiến máu, vừa phòng chống dịch bệnh nCoV

Cập nhật đến hết ngày 8.2, Viện Huyết học Truyền máu T.Ư đã tiếp nhận được 2.072 đơn vị máu, trong đó 1.096 đơn vị máu tiếp nhận tại Viện, 480 đơn vị máu tại các điểm hiến máu cố định và 496 đơn vị máu tại các điểm khác ở cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư. Ngày 9.2, Viện vẫn tiếp tục đón hàng trăm người đến hiến máu tình nguyện nhằm chia sẻ những khó khăn với người bệnh trong dịp thiếu máu cao điểm hiện nay. 

Vượt hơn 60km từ Hưng Yên lên Hà Nội giữa thời tiết lạnh giá, cô Bùi Thị Khương và con gái Trần Thị Thư mong muốn những giọt máu của mình sẽ sớm đến với những người bệnh. Cô Khương chia sẻ: “Mấy hôm trước khi tôi xem truyền hình và biết được thông tin đang thiếu máu, nhưng phải đợi đến hôm nay khi con gái nghỉ làm, hai mẹ con mới sắp xếp công việc để đi hiến máu. Khi đến đây chứng kiến nhiều người cùng hiến máu tôi thấy vui và rất ấm lòng”. 

Chị Trần Thanh Lê công tác tại Đại sứ quán Oman cùng em gái của mình là bạn Trần Anh Thư đến tham gia hiến máu, chia sẻ: Đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với cộng đồng, đặc biệt là đúng thời điểm đang có dịch nCoV nên sự chung tay của mọi người là vô cùng cần thiết, đó cũng chính là cách thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Tôi nghĩ chính bản thân người đến hiến máu cũng cảm thấy rất vui vì mình đã góp phần phần nhỏ giúp cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.

TS.BS Ngô Mạnh Quân - Phó Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: “Trong tình hình dịch bệnh do virus Corona gây ra khiến  người dân rất ngại đến các điểm hiến máu; lịch hiến máu của chúng tôi ở một số cơ quan, đơn vị lại bị hoãn, và tình trạng này đã xảy ra tại nhiều cơ sở trên khắp cả nước như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế. Sau khi các cơ quan truyền thông kêu gọi người dân đi hiến máu, người dân lại đến hiến máu rất đông, nhờ đó, lượng máu hiện nay đã được cải thiện đáng kể” - TS Quân nói. 

Ông Quân cũng phân tích: Khi xảy ra những vụ dịch như thế này, không phải lần đầu mà nhiều lần đã xảy ra các vụ dịch như SARS, MERS- CoV, Ebola... thì người dân rất ngại ra đường, ngại đến chỗ đông người, trong khi hiến máu thì phải tập trung, vì thế đã làm giảm sút đáng kể lượng người hiến máu. Tuy nhiên, trong vụ dịch nCoV lần này, may mắn là càng phòng dịch, người dân lại càng nghĩ đến cộng đồng, nghĩ đến người khác nhiều hơn. Tại các bệnh viện khác, số người đến hiến máu không giảm mà lại tăng lên, đặc biệt là những người nhóm máu O, A... 

Gian nan tìm nguồn máu dự trữ

Ngày 9.2, ông Đào Chí Nghĩa - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.Cần Thơ cho biết: “Trước tình trạng thiếu hụt nguồn máu dự trữ, Thành đoàn đã lên kế hoạch vào ngày 23.2 sẽ tổ chức vận động hiến máu tình nguyện. Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát tình hình, không để máu trong tình trạng hết, và sẽ cố gắng giữ ở mức độ “duy trì được”. Trong trường hợp khẩn cấp, Thành đoàn sẽ liên hệ các đội tình nguyện để trực tiếp hiến máu sống”.

Ông Nghĩa nói và cho hay, hiến máu sống hiện có 2 đội. Một đội là tình nguyện bên ngoài, còn một đội là từ sinh viên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch cúm do virus Corona, các sinh viên hiện đã nghỉ học, không huy động được, nên việc hiến máu chủ yếu sẽ huy động từ lực lượng bên ngoài. Còn tại Trà Vinh, tỉnh này có hơn 45.000 đoàn viên và hơn 7.000 sinh viên. Trong năm 2019, chỉ riêng lực lượng này đã hiến 4.108 đơn vị máu. Trước tình trạng thiếu nguồn máu dự trữ, Tỉnh đoàn đã lên kế hoạch kêu gọi lực lượng tham gia hiến máu. “Do các sinh viên đều nghỉ học, nên việc huy động và tập hợp các bạn rất khó khăn. Chúng tôi đã liên hệ với Hội chữ thập đỏ tỉnh để tìm giải pháp cụ thể”. Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Trà Vinh Trần Trí Cường cho biết.

Mỗi năm, nguồn máu hiến tại khu vực ĐBSCL rất dồi dào, phần lớn là sự tham gia tình nguyện của lực lượng đoàn thanh niên, sinh viên. Tuy nhiên, trong vòng nửa tháng nay, các buổi hiến máu tình nguyện gần như là con số không do việc hạn chế tập trung đông người, phòng dịch do virus Corona. Thêm vào đó, tất cả các sinh viên đều đang nghỉ học, phân tán khắp nơi, nên rất khó kêu gọi, vận động.

Hiện Bệnh viện Huyết học - Truyền Máu TP.Cần Thơ chỉ còn khoảng 1.800 đơn vị máu để dành riêng cho cấp cứu, không dám sử dụng vào hoạt động điều trị khác. Đây là nơi cung cấp máu cho 11/13 tỉnh ở ĐBSCL, trừ Long An và Kiên Giang với hơn 70 bệnh viện sử dụng nguồn máu do đơn vị này cung cấp, trong đó có 2 bệnh viện quân y (Bệnh viện 121 Cần Thơ và Bệnh viện 120 Tiền Giang).

Thông thường, các địa phương ở ĐBSCL sau khi tổ chức hiến máu tình nguyện phải chuyển về Bệnh viện huyết học - truyền máu Cần Thơ để sàng lọc, phân loại. Sau đó, tùy theo nhu cầu, bệnh viện sẽ phân bổ lại nguồn máu cho từng địa phương dùng trong hoạt động y tế. SỞ HẠ - TRẦN LƯU

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn