MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện ĐK Thành phố Hà Tĩnh đã treo khẩu hiệu trên đầu thanh toán viện phí không dùng tiền mặt nhưng thực tế nhiều người khi thánh toán chi phí khám, chữa bệnh tại đây vẫn chi trả bằng tiền mặt. Ảnh: Trần Tuấn.

Bệnh viện thí điểm không dùng tiền mặt, phần lớn vẫn trả... tiền mặt

TRẦN TUẤN LDO | 17/08/2023 06:01

Hà Tĩnh - Sau 2 ngày Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh thí điểm thanh toán viện phí không dùng tiền mặt nhưng thực tế phần lớn người dân đến khám bệnh, thanh toán chi phí vẫn... trả tiền mặt.

Chiều ngày 16.8, Phóng viên Báo Lao Động có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh ghi nhận tình hình tiếp nhận khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, điều trị đây.

Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh là cơ sở y tế thực hiện thí điểm thông báo lưu trú qua phần mềm ASM; khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD, VneID; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt từ ngày 15.8.

Theo ghi nhận, một số người đến khám bệnh vẫn xuất trình thẻ BHYT và vẫn được nhân viên tiếp nhận làm thủ tục khám bệnh giải quyết, một số khác trình thẻ căn cước công dân để làm thủ tục.

Nhiều người dân vẫn xuất trình thẻ BHYT để làm thủ tục khám, chữa bệnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Ở bộ phận thu tiền khám bệnh BHYT, khám sức khỏe và khám theo yêu cầu, thanh toán viện phí điều trị nội trú nhiều người vẫn thanh toán bằng tiền mặt và được bộ phận kế toán tiếp nhận bình thường.

Chị Hồ Thị Nguyệt (29 tuổi, trú xã Tâm Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đến khám tại bộ phận tiếp nhận khám theo yêu cầu và khám cấp giấy khám sức khỏe vẫn thanh toán tiền mặt cho kế toán.

Chị Nguyệt đến khám bệnh dù có điện thoại thông minh cài ứng dụng chuyển khoản trên điện thoại nhưng vẫn chi trả bằng tiền mặt. Ảnh: Trần Tuấn.

“Em có sẵn tiền mặt đây thì thanh toán tiền mặt luôn thôi” - chị Nguyệt chia sẻ khi được hỏi sao không chuyển khoản trả chi phí khám bệnh, mặc dù chị vẫn có điện thoại thông minh có áp chuyển khoản trên điện thoại.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Điều dưỡng trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh - cho hay, ngày 15 và 16.8 ước có hơn 1.000 người đến khám bệnh tại bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh.

Trong số này ước có 90% trường hợp sử dụng căn cước công dân để làm thủ tục khám, còn lại phần lớn là người già và trẻ em sử dụng thẻ BHYT thì Bệnh viện vẫn tiếp nhận để làm thủ tục cho họ.

Người dân đến khám bệnh xuất trình thẻ căn cước công dân được nhân viên y tế tiếp nhận đưa vào đầu đọc làm thủ tục. Ảnh: Trần Tuấn.

Theo một kế toán bộ phận khám bệnh BHYT ngoại trú Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh, ngày hôm qua (15.8) có 660 trường hợp đến khám bệnh, hôm nay có 370 người đến khám.

Tuy nhiên, số người phải thanh toán chi phí khám sau khi đã trừ phần BHYT thanh toán thì chỉ khoảng 200 người. Trong đó chỉ có 10/200 người thực hiện chuyển khoản, không dùng tiền mặt, còn lại phần lớn vẫn thanh toán bằng tiền mặt.

Lý giải điều này, bà Quyên giải thích vì chi phí thanh toán thấp chỉ ít chục nghìn đồng với lại nhiều người là người già đến từ nông thôn không dùng điện thoại thông minh có ứng dụng chuyển khoản.

Ở bộ phận thanh toán viện phí nội trú, kế toán Bùi Thị Khánh Quyên - thông tin, ngày 15.8 chỉ có 4 người thanh toán bằng cách chuyển khoản mà không dùng tiền mặt, còn ngày 16 chỉ có 1 người thanh toán chuyển khoản.

Chị Quyên giải thích, do điều trị nội trú nhiều bệnh nhân già không dùng điện thoại thông minh với ứng dụng chuyển khoản trên điện thoại nên phần lớn họ chỉ thanh toán bằng tiền mặt.

Kế toán thu viện phí nội trú vẫn sử dụng tiền mặt để thối lại khi người dân đã thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng tiền mặt mà không phải là chuyển khoản. Ảnh: Trần Tuấn.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Kế toán bộ phận khám theo yêu cầu và khám cấp giấy khám sức khỏe - cho hay, số liệu ngày 15.8 có 51 người đến khám thì chỉ có 11 người thực hiện thanh toán bằng chuyển khoản mà không dùng tiền mặt. Số liệu ngày 16 chưa cập nhật được do buổi sáng bà không trực.

Theo Bà Thảo, lợi thế của thanh toán không dùng tiền mặt là kế toán không phải lo phụ tiền thừa, tránh được tình trạng nhiều lúc không còn tiền lẻ để phụ lại phải loay hoay tìm, thậm chí đi mượn ở bộ phận khác để phụ lại cho người dân.

Thêm nữa, không dùng tiền mặt thì bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không lo đánh rơi tiền trong quá trình điều trị, đi lại ở bệnh viện. Lợi ích là thế nhưng hiện nhiều người vẫn chưa ưu tiên cho thanh toán chuyển khoản trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Khi bênh nhân chỉ trả tiền mặt thì kế toán bệnh viện cũng phải đáp ứng yêu cầu cho họ, không thể từ chối giải quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn