MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế

Bệnh viện tư nhân “đuối sức” khi điều trị COVID-19: Bộ Y tế đề nghị chi trả bằng giá bệnh viện công

THÙY LINH - ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 21/09/2021 11:51
Bộ Y tế đề nghị phương án ngân sách chi trả cho bệnh viện tư bằng giá của bệnh viện công trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19. Phần chênh lệch giữa mức phí Nhà nước đã chi trả và phí của bệnh viện thì người bệnh sẽ chi trả. Dù vậy, vẫn còn nhiều nội dung cần phải làm rõ hơn để có chính sách cụ thể đối với hệ thống y tế tư nhân đang phải gồng mình chống dịch và duy trì hoạt động. 

Bộ Y tế đã họp và trình Chính phủ 

Theo một lãnh đạo của Bộ Y tế cho biết Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã họp lấy ý kiến các vụ, cục và trình Chính phủ có nghị quyết về phương án thu phí với bệnh nhân COVID-19 điều trị tại bệnh viện tư. "Chúng tôi đề nghị phương án ngân sách chi trả cho bệnh viện tư bằng giá của bệnh viện công. Phần chênh lệch giữa mức phí Nhà nước đã chi trả và phí của bệnh viện thì người bệnh (vào điều trị tự nguyện tại bệnh viện tư) chi trả và bệnh viện phải công khai mức giá" - vị lãnh đạo này cho biết.

Theo quy định hiện hành, bệnh nhân COVID-19 điều trị tại bệnh viện tư thì mức thu tương đương với bệnh viện công lập cùng hạng trên địa bàn và chi phí do ngân sách nhà nước chi trả, người bệnh không phải trả.

Trước đó, sau khi có ý kiến đề xuất của UBND TPHCM, Bộ Tài chính đã có đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định các điều kiện, tổ chức điều trị bệnh và chi trả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở ngoài công lập.

Cũng từ cuối tháng 7, chính Bộ Y tế đã đứng ra kêu gọi hệ thống y tế tư nhân của TPHCM chung sức chống COVID-19. “Tôi rất mong các bệnh viện, các cơ sở y tế tư nhân hãy đăng ký chính thức với Sở Y tế TPHCM số giường dành cho chăm sóc sức khỏe thông thường và số giường dành cho điều trị bệnh nhân COVID-19. Có thể, các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân cũng đang có những khó khăn, tuy nhiên sự chung tay, góp sức của các vị sẽ giúp cho nhiều người bệnh COVID-19 được điều trị hồi sức. Trên cơ sở số giường đăng ký của khu vực y tế tư nhân, thành phố sẽ có được mạng lưới tổng thể số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 và sẽ điều phối bệnh nhân” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói. 

Thực hiện lời kêu gọi trên, nhiều bệnh viện tư nhân đã hưởng ứng, dốc sức chung tay cùng chống dịch. Tại bệnh viện Gia An 115, đơn vị này đã bỏ ra số kinh phí lớn để thực hiện mô hình bệnh viện tách đôi, dành riêng một khu vực để điều trị bệnh nhân COVID-19. Khu vực này có quy mô 250 giường, trong đó có 34 giường hồi sức cấp cứu. Đội ngũ nhân sự cũng được phân thành hai nhóm hoạt động độc lập để đảm bảo cả hai nhiệm vụ điều trị các bệnh lý khác và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Hay như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, một trong những đơn vị tư nhân đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, bệnh viện cũng nâng quy mô điều trị từ 100 lên 200 giường bệnh, trong đó có 20 giường hồi sức cấp cứu chỉ trong một thời gian ngắn. 

Cần một chính sách rõ ràng

Dù hết sức nỗ lực trong việc điều trị COVID-19 nhưng qua khảo sát của Sở Y tế TPHCM, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, cũng như định mức sử dụng, chi phí cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt. Cơ sở y tế tư nhân mua sắm không qua đấu thầu nên giá mua sắm một loại thuốc, vật tư y tế cao hơn so với giá mua của các cơ sở y tế công lập; lương của các nhân viên y tế tại cơ sở y tế tư nhân cao hơn. Do vậy, ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân gặp khó khăn.

Trong khi đó, báo cáo của các cơ sở y tế tư nhân cho thấy, hiện có rất nhiều bệnh nhân có điều kiện chi trả và sẵn sàng chi trả chi phí điều trị COVID-19 để được điều trị theo yêu cầu cũng như chia sẻ một phần cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp vướng mắc do theo quy định hiện hành bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị miễn phí. 

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TPHCM - cho biết cần phải làm rõ thêm về việc sử dụng ngân sách nhà nước chi trả cho y tế tư nhân như thế nào, sử dụng nguồn nào để chi trả, quỹ bảo hiểm y tế, quỹ phòng chống COVID-19 hay nguồn nào khác. Điều này để phù hợp với chính sách chi trả giá dịch vụ của hệ thống bệnh viện tư với các trường hợp bệnh nhân có bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, hiện có 11 bệnh viện tư tham gia làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên trên địa bàn TPHCM vẫn có hàng chục các bệnh viện thuộc hệ thống tư nhân khác cũng phải tiếp nhận bệnh nhân khi số ca mắc tăng nhanh trong cộng đồng

"Hàng chục các bệnh viện khác trong thời điểm dịch vẫn mở cửa và do tỉ lệ COVID-19 tăng cao nên họ phải tiếp nhận bệnh nhân. Họ làm các thủ tục xét nghiệm PCR rồi gửi đi các bệnh viện dã chiến. Nhưng rồi bệnh viện dã chiến cũng quá tải thành ra người bệnh phải ở lại đó và họ phải điều trị luôn. Vậy chính sách với các bệnh viện này như thế nào, điều này cũng cần phải làm rõ" - bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn