MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi T.Ư sáng 29.5. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Bệnh viện vẫn “ngập” khói thuốc!

THÙY LINH LDO | 31/05/2018 09:35
Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã quy định rõ những địa điểm cấm hút thuốc lá bao gồm cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em... 

Nhưng thực tế, tình trạng hút thuốc lá tại những nơi công cộng này vẫn còn phổ biến. Dạo một vòng quanh các bệnh viện lớn, cảnh tượng người nhà bệnh nhân vô tư hút thuốc, phả khói ngay trong khuôn viên bệnh viện không khó tìm.

Bệnh nhân cũng phải hít khói thuốc

Từ cổng cho đến cửa phòng khám của nhiều bệnh viện, kể cả bệnh viện tuyến trung ương vẫn xuất hiện khói thuốc. Nhiều người phì phèo điếu thuốc đi dọc hành lang bệnh viện mà lờ đi biển cấm hoặc giả vờ không biết.

Phóng viên Lao Động đã khảo sát một vòng tại các bệnh viện: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phụ sản T.Ư, K Trung ương... Tất cả các bệnh viện đều có biển cấm hút thuốc lá treo ở hầu hết các khoa phòng, phòng chờ, khuôn viên bệnh viện... Tuy nhiên tình trạng người dân vô tư hút thuốc lá vẫn diễn ra tại đây.

Đáng chú ý hơn, tại Bệnh viện Nhi T.Ư - nơi mỗi ngày khám và cấp cứu cho hàng trăm trẻ em, tình trạng hút thuốc lá của các bậc phụ huynh diễn ra khá phổ biến. Thời điểm phóng viên khảo sát sáng 29.5, gần chục người đàn ông ngồi tại ghế đá trước cửa phòng khám thì có đến 7 người phì phèo điếu thuốc lá, mùi khói thuốc lá nồng nặc. Khi PV nhắc nhở, một người đàn ông cười phân trần: “Cháu nó đang khám, ngồi ngoài này sốt ruột nên hút thôi”, những người khác còn cố rít lấy rít để mấy hơi thuốc, nhả khói rồi mới dụi bỏ điếu thuốc.

Tâm sự với PV, một bác sĩ của Bệnh viện Nhi T.Ư lắc đầu ngao ngán: “Chúng tôi cứ nhìn thấy người nhà bệnh nhân hút thuốc là lại nhắc nhở nhưng không thể nào xuể được. Người nhà bệnh nhân thì đông mà y bác sĩ thì còn phải tập trung cứu chữa bệnh nhân, làm sao mà chăm chăm đi nhắc nhở họ đừng hút thuốc được. Chủ yếu là ý thức của người ta thôi, bế con đi viện mà vẫn hút thuốc thì không còn gì để nói. Có trường hợp nhắc mãi vẫn cứ trơ ra, tôi bảo: này anh kia, anh muốn con anh chết ngạt vì khói thuốc của anh có phải không? Lúc đó, anh ta mới dụi đi”.

Có luật rồi, xử lý khó ở đâu?

Một bác sĩ làm công tác quản lý của bệnh viện này cho biết, bệnh viện cũng hết sức đau đầu với vấn nạn khói thuốc trong bệnh viện: “Trong y học việc can thiệp thay đổi hành vi bảo vệ sức khoẻ là khó nhất. Tôi ví dụ đội mũ bảo hiểm thì có thể thay đổi nhưng hút thuốc lại liên quan đến hành vi/thói quen/nghiện nên cực kỳ khó thay đổi. Nếu chỉ tuyên truyền, vận động thôi thì không có tác dụng, phải có biện pháp quyết liệt, nhưng có luật rồi thì ai là người giám sát thực thi? Biển cấm khắp nơi, họ ngồi cạnh biển cấm hút. Nhắc nhở thì tỏ thái độ tức tối, bỏ đi chỗ khác hút”.

Tại nhiều bệnh viện khác, mặc dù lãnh đạo các bệnh viện cũng đã quán triệt đến cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên, bệnh nhân... thực hiện không hút thuốc lá, thế nhưng vẫn rất khó kiểm soát bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hút thuốc trong bệnh viện. Nếu bắt gặp cũng chỉ có thể nhắc nhở, yêu cầu dừng hút vì cán bộ, nhân viên bệnh viện không có chức năng xử phạt. Việc hút thuốc diễn ra chốc lát, không có bằng chứng để đưa đến Thanh tra Y tế hay các cơ quan chức năng để tiến hành xử phạt. Hơn thế nữa, việc bán thuốc lá hiện nay tràn lan, không chấp hành bất cứ quy định nào.

Thanh tra Y tế là lực lượng chủ lực về xử phạt, nhưng lại quá mỏng, thiếu về số lượng và trang thiết bị, kinh phí hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc quy định thẩm quyền xử phạt của UBND các cấp, đó là quy định thẩm quyền chung theo hiện hành là Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa có quy định cụ thể về cơ quan tham mưu, chịu trách nhiệm chính việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng của cấp xã, phường, thị trấn nên rất khó thực hiện.

Trước thực trạng này, các bệnh viện đang mạnh tay thực hiện nhiều biện pháp từ tuyên truyền, nhắc nhở cho đến thực hiện xử phạt để “xóa bỏ” nạn khói thuốc trong khuôn viên bệnh viện.

Điển hình như tại bệnh viện Việt Đức, một trong những đơn vị có nhiều hoạt động tích cực, thiết thực trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá như in treo biển cấm hút thuốc rất lớn ở nhiều nơi trong bệnh viện, tác động mạnh vào thị giác người nhìn thấy, bệnh nhân hay người nhà hút thuốc đều bị các nhân viên y tế nhắc nhở.

Ngoài ra, Bệnh viện Việt Đức còn thực hiện quy định phạt 10 triệu đồng trích từ quỹ thưởng đối với khoa có đầu mẩu thuốc lá. Đội ngũ bảo vệ để bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân hút thuốc thì ca trực đó bị phạt 20 triệu đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kêu gọi người dân, đặc biệt thế hệ trẻ hãy nói không với thuốc lá tại Lễ míttinh hưởng ứng Ngày thế gới không thuốc lá 31.5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó có khoảng 900.000 ca tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn