MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ BHXH tỉnh Hải Dương tuyên truyền chính sách BHXH tới người lao động. Ảnh: BHXH

BHXH Việt Nam phấn đấu đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia

An Thái LDO | 10/06/2021 09:35
Trong 5 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 có diễn biến đặc biệt phức tạp, nhưng công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn có chuyển biến tích cực, cũng như tăng so với cùng kỳ năm 2020. Điều đó thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ.

Cần phát triển thêm 1.521.328 người tham gia BHXH

Theo BHXH Việt Nam, tính đến nay tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người (đạt 32,49% lực lượng lao động), đạt 91,3% kế hoạch BHXH Việt Nam đặt ra, tăng trên 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn giảm 38.941 người so với hết năm 2020.

Riêng số tham gia BHXH bắt buộc là trên 15 triệu người, giảm 25.811 người so với cuối năm 2020, BHXH tự nguyện là trên 1,12 triệu người, giảm 13.060 người; số tham gia BH thất nghiệp là trên 13,3 triệu người (đạt 26,73% lực lượng lao động) đạt 93,51% kế hoạch, giảm 20.737 người. Riêng BHYT có sự tăng trưởng hơn so với cùng kỳ và cuối năm 2020, với trên 87,77 triệu người tham gia, đạt tỉ lệ bao phủ 89,9% dân số, đạt 97,6% kế hoạch, tăng thêm 246.185 người.

Phân tích cơ sở thực tế cho những kết quả này, ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ BHXH Việt Nam, ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đã lây lan nhanh tại các khu công nghiệp lớn tại một số tỉnh, thành phố, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN; một phần là do vướng mắc về cơ chế, chính sách (việc xử lý đối với đơn vị, DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền). Bên cạnh đó, nhiều nhóm đối tượng cũng có sự biến động về tỉ lệ tham gia BHYT khi một số chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đối tượng chính sách (người dân tộc thiểu số, người sinh sống vùng bãi ngang...) được rà soát lại, có khoảng “chờ” chính sách mới được ban hành... Do đó, những con số tăng trưởng trên cho thấy nỗ lực rất lớn của toàn ngành BHXH Việt Nam.

Để đạt được kế hoạch mà BHXH Việt Nam đặt ra trong năm 2021, trong 7 tháng còn lại của năm, toàn quốc cần phát triển thêm 1.521.328 người tham gia BHXH; trên 9244.000 người tham gia BH thất nghiệp và trên 2,16 triệu người tham gia BHYT.

“Chúng ta phải xác định công tác này sẽ vẫn “sống chung với dịch COVID-19”, nên việc tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp sẽ khó thực hiện, có thể thay đổi phương pháp tiếp cận bằng cách sử dụng các giải pháp tuyên truyền trên môi trường mạng xã hội. Hoạt động này sẽ cần có sự phối hợp của Trung tâm Truyền thông, Trung tâm CNTT, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Chăm sóc khách hàng. Tương tự, việc rà soát danh sách NLĐ chưa tham gia BHXH theo dữ liệu được chia sẻ từ cơ quan Thuế, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, có thể yêu cầu các đơn vị SDLĐ lập báo cáo và chịu trách nhiệm về thông tin mình cung cấp, cơ quan BHXH sẽ hậu kiểm khi thiết lập lại giai đoạn bình thường…” - ông Hào đề xuất.

Phải đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ theo nhiệm vụ của mình, nhanh chóng khắc phục các tồn tại đã nêu.

Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT trong tháng 6 và những tháng tiếp theo. Phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; Quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ... Yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ chịu trách nhiệm cử cán bộ chuyên trách, bám sát tiến trình sửa đổi 3 Luật liên quan trực tiếp đến ngành BHXH Việt Nam là Luật BHXH, BHYT, Thanh tra...

Bên cạnh đó, kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và diễn biến của dịch bệnh. Thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: Rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm; rõ kết quả; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân. “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta trong giai đoạn này là đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia” - Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Vừa qua, tại lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 theo hình thức trực tuyến của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thay mặt toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam đã trao 2 tỉ đồng ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.

Đây là số tiền đóng góp tự nguyện của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm với mong muốn được đóng góp công sức, chung tay cùng Đảng, Nhà nước quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn