MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên Báo Lao Động trong vai xe ôm chở khách quá chén về nhà.

Bi hài chuyện chở khách say về nhà

Trần Kiều - Tùng Giang  LDO | 11/01/2020 07:45

Từ ngày Luật phòng, chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực, trên các con phố thường ngày vốn nổi tiếng là địa điểm ăn nhậu thì nay trở nên ảm đạm và vắng hoe. Và cũng chính từ sự tác động mạnh mẽ của luật này đến thói quen xưa nay khó bỏ của người dân, có hàng loạt câu chuyện bi hài xung quanh việc chở khách say về nhà sau mỗi cuộc nhậu.

Dân nhậu “chùn bước” 

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Luật nghiêm cấm việc “Điều khiển phương tiện giao thông, mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, đồng thời có chế tài phạt rất nghiêm khắc. Theo đó, hàng loạt các trường hợp vi phạm đã bị lực lượng chức năng xử lý. Thực tế này, khiến nhiều quán nhậu hiu hắt vì lượng khách giảm hẳn. Và cũng chính dân nhậu đã bắt đầu “chùn chân” trước các quy định mới.

Trong vai một tài xế chuyên chở khách quán nhậu, phóng viên Lao Động đã chứng kiến không ít câu chuyện bi hài.

Chúng tôi gặp gặp anh Đỗ Hoàng Điệp (Long Biên, Hà Nội) tại địa chỉ số 43b Đặng Thai Mai (Tây Hồ, Hà Nội). Anh chia sẻ, trước giờ mỗi lần đi uống bia rượu là gia đình lo lắng vì đã có không ít lần anh về nhà trong bộ dạng say xỉn. Trong những lần say xỉn đó, có phân nửa là do anh tự cầm lái điều khiển xe về nhà. Từ khi có nghị định mới về phòng chống tác hại rượu, bia; chuyện đi lại của anh đã thay đổi.

Hôm nay, sau khi tàn cuộc nhậu, anh Điệp không còn dám sử dụng phương tiện cá nhân để trở về nhà. Thay vào đó, anh đã gọi xe dịch vụ để về. “Mình có thói quen hằng ngày, cứ chiều tối là uống vài cốc bia để giúp hỗ trợ tiêu hóa. Từ đầu tháng tới giờ, cứ buổi tối là không dám lấy xe ra đường vì sợ bị thổi nồng độ cồn. Hôm nay họp tất niên đồng hương sẽ rất khó từ chối, nên mình chọn xe ôm để an toàn mọi mặt”, anh Điệp nói.

Theo anh Điệp, thực tế những người uống bia rượu vẫn nghĩ mình tỉnh táo, kiểm soát tốt hành vi. Nhưng thực tế không biết thế nào, không thể lường trước được.

Một khách nhậu say, hai nhân viên hộ tống

Từ khi luật mới được áp dụng, các loại hình dịch vụ chở khách say về nhà cũng trở nên nở rộ. Vì sợ nên không chỉ những người hay say rượu, bia mới tìm đến dịch vụ tài xế riêng chở về nhà mà có những khách chỉ uống vài chén cũng thuê người lái.

Anh Vũ Ngọc - chủ một quán nhậu trên đường Đặng Thai Mai (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, luật mới áp vào cuộc sống, thói quen ăn uống của khách hàng cũng thay đổi nhiều. Ngoài nhu cầu về chỗ ngồi và đồ ăn, giờ họ có thêm nhu cầu tìm quán nhậu có dịch vụ hỗ trợ tốt về việc di chuyển cho khách sau khi sử dụng rượu, bia.  

Như quán của anh Ngọc, hiện đã có một đội nhân viên thay phiên nhau đưa khách về nếu khách có nhu cầu. Theo đó, cứ một khách hàng sẽ có 2 người hộ tống. Sau khi đến điểm trả khách, nhân viên của quán sẽ bàn giao xe cho khách hàng an toàn.

Tuy nhiên, chia sẻ về câu chuyện chở khách say về nhà, anh Trịnh Thanh Tùng (nhân viên của quán) cho biết, có nhiều trường hợp, dù khách uống nhiều nhưng họ vẫn tỉnh táo, chủ động được hành vi nên khó có chuyện người ta giao xe cá nhân cho mình.

Cách đây mấy ngày, anh Tùng có nhận nhiệm vụ trở một khách hàng say sau khi nhậu ở quán về. Như chia sẻ thì đây là một khách hàng rất “oái oăm”. Vị “thượng đế” này sau khi đã nhậu say, bắt đầu rời quán trong bộ dạng lướt khướt. Khi anh Tùng tiến lại gần để dắt xe chở về thì bị anh này túm đấm.

Còn anh Phạm Văn Cao - tài xế công nghệ hoạt động trên tuyến đường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) làm thêm ngoài giờ lại có câu chuyện dở khóc, dở cười khác. “Tôi nhận được một cuốc chở khách từ Hoàng Hoa Thám về Mỹ Đình. Vì say nên trên đường về vị khách hàng không nhớ rõ địa chỉ nhà, còn hát rất nhiều nhưng không rõ hát gì. Rồi sau đó cho rằng tài xế cố tình đi sai đường nên giành lái. Phải rất vất vả, tôi mới đưa được “vị thượng đế” về đến nhà an toàn” - anh Cao kể lại.

Cũng là câu chuyện liên quan đến khách nhậu say, bà Trần Thị Dung (chủ quán nhậu trên đường Trần Đại Nghĩa) kể lại: “Khách nhậu say ở quán, mình cũng không thể ép hay dọa sự hiện diện của lực lượng chức năng để khách hàng phải gửi xe lại. Dù vậy, vẫn có những trường hợp khách hàng chủ động để xe lại quán. Nhưng khổ nỗi hôm sau không thấy khách quay lại lấy xe. Mình có liên lạc lại thì mới hay là khách cũng không nhớ rõ là đã gửi xe ở đâu”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn