MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Taxi chờ đón khách tại sân bay Nội Bài. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Bị lộ thông tin cá nhân: Thiếu chế tài, khách hàng đành... chịu bực

ĐỨC THÀNH LDO | 07/10/2017 19:10
Báo Lao Động đã thông tin về việc nhiều hành khách bị “mồi chài” đi taxi do lộ thông tin cá nhân. Ai chịu trách nhiệm cho hành vi làm lộ thông tin?

Không những thế, nhiều bạn đọc phản ánh về việc bị mời thuê gia sư, mời mua nhà, mời mua bảo hiểm... chỉ vì thông tin cá nhân của mình bị mua đi bán lại.

Và ai chịu trách nhiệm cho hành vi làm lộ thông tin? Cơ sở nào để xử lý những hành vi ấy? Đó là những câu hỏi chưa có lời giải. 

Bực mình vì mình có gì họ cũng biết!

Như Lao Động đã từng phản ánh, hiện tượng người dân mua vé máy bay thì nhận được tin nhắn quảng cáo mời chào của các tài xế cung cấp dịch vụ vận chuyển mặc dù không hề liên lạc. Chỉ có một mối nghi ngờ duy nhất là thông tin bị lộ từ phía phòng vé. Tuy nhiên, để chứng minh được điều này, đối với khách hàng là điều không tưởng.

Việc lộ, lọt thông tin cá nhân không còn là chuyện hiếm trong cuộc sống. Hằng ngày, mỗi chúng ta đều ít nhiều phải chịu sự khó chịu khi bị nhắn tin, gọi điện mời chào sử dụng các dịch vụ từ các nhà cung cấp. Thậm chí, có phụ huynh còn than phiền “không hiểu họ (một trung tâm ngoại ngữ dành cho trẻ em) lấy thông tin của mình từ đâu ra mà khi gọi còn hỏi rõ chị có phải là mẹ của cháu N.C.V không? Rồi còn biết con mình học lớp mấy, trường nào… Khiến mình luôn trong tâm trạng canh cánh, lo lắng không yên…”.

Việc thông tin cá nhân, bí mật đời tư bị lộ khiến nhiều người đổ dồn nghi ngờ về những nơi nắm giữ như các nhà mạng, phòng vé, nhà trường, trung tâm bồi dưỡng… Nhưng sự thực thì chưa bao giờ được chứng minh một cách sòng phẳng. Cũng chẳng có cơ quan nào nhận thấy việc nhiều người than phiền họ bị lộ thông tin là có phần trách nhiệm của mình để vào cuộc, dù cho hoàn toàn có thẩm quyền hợp pháp.

Thực tế, thông tin có thể do chính cá nhân chúng ta vô ý tự làm lộ. Đơn cử như việc thường xuyên đăng thông tin, lịch trình, địa điểm check in trên mạng xã hội. Thậm chí có người còn chụp hình ảnh vé máy bay để khoe với bạn bè. Hay để được hưởng một chương trình khuyến mại cho con, có người sẵn sàng đăng ký tên con, tên phụ huynh và số điện thoại mà không chút mảy may nghi ngờ…

Bởi vậy, trước khi phàn nàn ai, nơi nào làm lộ thông tin của mình, có lẽ mỗi cá nhân cần phải tự xem lại mình trước tiên!

Muốn được vạ, má phải sưng

Trong khi người dân vẫn đang hoang mang không biết vì đâu thông tin của mình bị lộ thì cơ chế bảo vệ thông tin cá nhân dường như vẫn chưa phát huy sức mạnh. Mặc dù có nhiều văn bản pháp luật quy định khá chi tiết về vấn đề này.

Ví dụ như Điều 21 Hiến pháp 2013, Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Hình sự 2015, Luật An toàn thông tin mạng, Điều 22 Luật Công nghệ thông tin, Điều 65 NĐ 185/2013/NĐ-CP về bảo vệ người tiêu dùng, NĐ 174/2013/NĐ -CP về lĩnh vực bưu chính viễn thông… với các chế tài xử phạt tùy từng căn cứ có thể phạt hành chính 10 triệu đồng tới mức án tù 2 năm.

Theo ông Đỗ Hữu Trí - Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông nhận định: “Về việc lộ thông tin có thể bắt đầu từ rất nhiều nguồn. Thời gian qua truyền thông đăng tải về việc nhiều người bị lộ thông tin nhưng chưa rõ bị lộ từ đâu. Để xử lý, tất cả những nghi vấn đều phải có bằng chứng chắc chắn, còn nếu không có thì không thể quy kết. Nếu phát hiện ra những vi phạm cụ thể thì căn cứ NĐ 174/2013/NĐ-CP về việc vi phạm mua bán thông tin cá nhân để xử lý”.

Trước đó, hồi tháng 6, trao đổi với Lao Động, ông Trí từng khẳng định “Chưa phát hiện nhà mạng nào để lộ, lọt hoặc cố tình trao đổi thông tin khách hàng với đối tác khác. Vì thế, bộ cũng chưa xử phạt nhà mạng nào vì hành vi để lộ, lọt hoặc cố tình phát tán thông tin khách hàng”.

Ngay kể cả khi nghi vấn cụ thể đơn vị, cá nhân nào đã cố tình cung cấp thông tin cá nhân, khách hàng cũng khó lòng đòi lại quyền lợi bởi yếu tố “hậu quả” và “thiệt hại”. Chỉ khi chứng minh được điều này, khách hàng mới có thể khiếu nại thành công và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc.

Theo Luật sư Nguyễn Đức Quang (Văn phòng Luật Đức Quang) cho biết: “Thực tế, trong các luật của chúng ta khái niệm về bí mật đời tư vẫn chưa đồng nhất dẫn đến việc có quy định nhưng chưa cụ thể nên cách xử lý khi xảy ra sự kiện pháp lý chưa nhất quán. Về vấn đề này, Bộ Luật Hình sự có quy định phải có xử lý vi phạm hành chính, sau đó nếu tiếp tục tái phạm mới có thể xử lý.

Còn trong Luật Dân sự thì phải chứng minh được hậu quả mới có cơ sở căn cứ để khởi kiện. Khi có sự kiện thông tin bị lộ, dù nghi ngờ nhưng muốn khiếu nại thì quan trọng nhất phải có cơ sở chứng minh họ vi phạm bởi trách nhiệm của người khiếu nại là phải có dữ liệu chứng minh được người ta có vi phạm.

Với khách hàng, để chứng minh được đơn vị hoặc cá nhân cụ thể có hành vi xâm hại thông tin cá nhân quả thực khó như lên trời. Cũng chẳng ai mong có “thiệt hại” hay phát sinh “hậu quả” để đủ điều kiện đi khiếu nại. Rõ ràng, nếu các cơ quan chức năng không chủ động và tích cực vào cuộc, người dân sẽ tiếp tục bị làm phiền cho tới khi hậu quả thực sự xảy ra.

Sau phản ánh của báo chí về việc khách hàng bị lộ lịch trình bay và thông tin cá nhân, dẫn tới việc đơn vị cung cấp dịch vụ xe đưa đón sân bay mời chào dù không hề liên hệ. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam làm rõ có hay không và nguyên nhân việc thông tin khách hàng bị lộ. Đồng thời, hãng hàng không cũng đã mời cơ quan công an vào cuộc điều tra.

Thanh tra vụ lộ thông tin khách hàng trong tháng 10

Ngày 5.10, Cục HKVN cho biết, hiện tượng lộ thông tin hành khách đi tàu bay bắt đầu xuất hiện từ năm 2013 và tiếp tục diễn biến ở các năm 2014, 2015 khi các hành khách bay đến các Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Cam Ranh và Nội Bài nhận được các tin nhắn chào mời sử dụng dịch vụ taxi. Các hãng hàng không đã tiến hành rà soát hệ thống đặt giữ chỗ của mình để xác minh nguyên nhân. Kết quả cho thấy, việc lộ thông tin là do một số nhân viên của các hãng hàng không, các đại lý bán vé máy bay cung cấp thông tin hành khách cho các hãng taxi, các khách sạn chào mời hành khách sử dụng dịch vụ qua số điện thoại liên lạc. Các hãng hàng không đã đề nghị phối hợp từ cơ quan công an để điều tra, xác minh và bước đầu đã phát hiện, xử lý bằng hình thức cho thôi việc một số nhân viên, cắt hợp đồng đại lý bán vé máy bay về hành vi vi phạm liên quan. Do đó, cục cho biết, sẽ thanh tra công tác bảo mật thông tin hành khách đi tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 10.2017.  K.H

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM: Nếu quyền lợi bị xâm phạm người tiêu dùng nên khởi kiện

Tại Khoản 2 Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” có nội dung: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Tại Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng có nội dung: Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Đối với các hành vi vi phạm quyền được bảo vệ thông tin của người tiêu dùng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 65 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, mức phạt đối với các hành vi xâm phạm về bảo mật thông tin người tiêu dùng có mức phạt tiền tối thiểu là mười triệu đồng và mức phạt tiền tối đa là hai mươi triệu đồng. Trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng thì sẽ bị phạt gấp đôi. Ngoài ra, bên cạnh xử phạt tiền, cá nhân, tổ chức bị vi phạm còn bị yêu cầu buộc tiêu hủy tang vật vi phạm có chứa đựng thông tin.  N.D

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn