MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bị Nghị định 05 "bỏ quên", cán bộ dân số gửi tâm thư lên Quốc hội

Bảo Nguyên LDO | 29/06/2023 08:59

Từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nhưng khi xét chế độ ưu đãi thì bị "bỏ quên", nhiều cán bộ dân số đã gửi tâm thư lên Quốc hội.

Khi có dịch xung phong tuyến đầu, khi có chế độ đãi ngộ thì bị bỏ quên

Mỗi lần nhắc đến lương của cán bộ dân số, chị Trần Thị Hồng Gấm (SN 1987, Trạm Y tế An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) chỉ biết cười gượng. Sau 14 năm công tác ở ngành dân số, mức lương của chị chưa được 6 triệu đồng.

Năm 2021 và 2022 khi dịch bùng phát ở khu vực phía Nam, nhiều cán bộ y tế quá áp lực phải xin nghỉ việc thì chị vẫn xung phong tuyến đầu.

Xã An Ngãi Trung là cửa ngõ của huyện Ba Tri nên công việc phòng chống dịch vất vả hơn nhiều. Là cán bộ dân số, thuộc từng ngóc ngách, nhớ từng nhà dân nên chị Gấm trở thành “cánh tay đắc lực” của Ban chỉ đạo khi đi truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly, điều trị F0.

Hình ảnh chị Trần Thị Hồng Gấm cùng đồng nghiệp trong suốt thời gian phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dịch ở xã được khống chế, chị Gấm lại đi các địa phương hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Chị là cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Sau đó, chị Trần Thị Hồng Gấm lại được Chủ tịch nước gặp mặt chúc mừng và tặng quà nhân ngày thầy thuốc Việt Nam…

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho cán bộ dân số có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch. Ảnh: Bảo Nguyên

Những tưởng khi dịch bệnh đi xa, cuộc sống bớt chật vật nhờ chế độ đãi ngộ thì Nghị định 05 mới đây của Chính phủ đã không đưa cán bộ dân số vào diện được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 100%.

“Đồng nghiệp của mình là viên chức y tế thì được tăng phụ cấp từ 40 - 70% lên 100% còn viên chức dân số bị “bỏ quên” và vẫn giữ nguyên 30% phụ cấp ưu đãi. Lúc làm thì không ai phân biệt, khi có chế độ thì họ gạt mình ra”, chị Trần Thị Hồng Gấm buồn rầu chia sẻ.

Tự dưng trở thành người... ngoài ngành y tế

Trên lịch trực công việc hàng ngày, dù là cán bộ lĩnh vực dân số nhưng chị Dương Thúy Loan (SN 1980, Trạm y tế xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) vẫn kiêm thêm các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, tiêm chủng…

Thời điểm năm 2021 khi có dịch, Trưởng trạm nghỉ thai sản còn 1 cán bộ nhiều tuổi nên chị Loan xung phong tham gia mọi hoạt động chống dịch COVID-19. Chị còn được giấy khen của Sở Y tế Lạng Sơn có thành tích xuất sắc và khen trưởng của các cấp chính quyền địa phương.

Trong suốt thời gian phòng chống dịch, chị Dương Thúy Loan đảm nhận tất cả công việc của cán bộ y tế cơ sở. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Đến nay Trạm Y tế có 6 người thì 5 cán bộ y tế được tăng phụ cấp theo Nghị định 05 còn mình là viên chức dân số nên lương vẫn giữ nguyên 5,8 triệu đồng/tháng. Thế chẳng khác gì mình là người ngoài ngành y tế”, chị Loan tâm sự.

Tương tự như chị Loan, Trạm y tế Văn Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam có 5 cán bộ thì duy nhất chị Lê Thị Châm (SN 1985 - viên chức dân số) không được tăng phụ cấp ưu đãi.

Phân công nhiệm vụ tại Trạm Y tế của một cán bộ dân số.
Chị Châm kiêm luôn mảng phòng chống dịch, xông pha tuyến đầu nhưng vẫn bị coi là lực lượng huy động. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong khi đó, thời điểm phòng chống dịch, chị Châm là khuôn mặt quen thuộc khi xuất hiện khắp các xã, khu công nghiệp trên địa bàn để truy vết, lấy mẫu, tiêm vaccine phòng COVID-19, chăm sóc, điều trị F0…

“Đến khi xét chế độ đãi ngộ thì tôi mới biết mình làm như cán bộ y tế mà không phải cán bộ y tế”, chị Châm nói và cho chúng tôi xem bảng lương 5.093.000 đồng mà chị đang được hưởng sau 13 năm cống hiến trong ngành.

Kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp

Trong số 30 người của đoàn sở Y tế tỉnh Hà Nam đi chi viện cho tỉnh Đồng Nai phòng chống dịch hồi tháng 8.2021 còn có chị Nguyễn Thị Phương Nam (SN 1975, Trạm Y tế Nhật Tựu - Kim Bảng).

Nhìn lại Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tặng vì thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ địa phương phòng chống dịch bệnh COVID-19, chị không thể lý giải được tại sao đồng nghiệp mình được tăng phụ cấp ưu đãi còn mình bị bỏ rơi.

Bằng khen của chị Nguyễn Thị Phương Nam (cán bộ dân số) sau đợt chi viện cho tỉnh Đồng Nai chống dịch COVID-19. Ảnh: Bảo Nguyên

Trong đơn gửi đến Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chị Nam nêu Nghị định 05 của Chính phủ chưa cập nhật cơ cấu mới của đội ngũ công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập sau khi sáp nhập (trong đó có cán bộ dân số); Nghị định 05 chưa đánh giá đầy đủ sự đóng góp của viên chức dân số tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt trong 2 năm chống dịch COVID-19.

Do vậy chị Nguyễn Thị Phương Nam đề nghị Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với vai trò giám sát của mình có ý kiến đến Chính phủ xem xét quy định đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi mức 100% là đội ngũ y tế cơ sở tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng vạn cán bộ dân số đã tham gia chống dịch với vai trò là những cán bộ y tế cơ sở, có quyết định điều động, cử đi chống dịch của chính quyền địa phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cùng chung niềm tâm tư, trăn trở, chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1990, viên chức dân số đang công tác tại Trạm y tế xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) gửi đến Ban Dân nguyện Quốc hội nêu thời điểm hưởng phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 05 chưa hợp lý.

“Trong 2 năm (2020 và 2021) là thời gian chống dịch COVID-19 căng thẳng nhất, gian khổ nhất, rủi ro nhất, vì sao Chính phủ không tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% để động viên cán bộ chống dịch mà chỉ tính 2 năm (2022 và 2023), khi cuộc sống đã trở lại bình thường?.

Điều này dẫn đến tình trạng không công bằng, khi người chống dịch xong về hưu, không được hưởng phụ cấp 100%, người vừa vào nghề lại có”, Trưởng nhóm đại diện cho nhiều cán bộ dân số tại tỉnh Bắc Ninh nêu trong tâm thư.

Sau dịch COVID-19, cán bộ dân số không được hưởng phụ cấp theo Nghị định 05 như cán bộ y tế làm chung nhiệm vụ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ lý giải trên, nữ cán bộ dân số kiến nghị điều chỉnh thời gian được hưởng phụ cấp là từ 01.01.2020 đến 31.12.2021.

Cũng theo chị Hiền, Chính phủ và Bộ Y tế cần rà soát lại cho phù hợp thực tế. Bởi nếu xem cán bộ dân số chỉ là đối tượng huy động chống dịch thì không công bằng, thiếu hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn