MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Bí thư Đồng Nai: Công nhân khó khăn thì chúng ta phải giúp đỡ nhiều hơn

HÀ ANH CHIẾN LDO | 27/08/2021 07:51
Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng: “Nếu giãn cách kéo dài, công nhân khó khăn nhiều hơn thì chúng ta phải giúp đỡ nhiều hơn. Do đó, thay vì bố trí nguồn lực xây dựng cơ bản, hạ tầng nông thôn, hạ tầng đô thị thì chấp nhận tạm dừng lại các công trình đó lại, lấy nguồn lực đó để giúp dân vượt qua đại dịch”.

Đồng Nai đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, điều trị F0

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay việc điều trị cho các trường hợp F0 đang được thực hiện như thế nào, có xảy ra tình trạng quá tải không?

- Ông Nguyễn Hồng Lĩnh:  Hiện nay, với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến của tỉnh Đồng Nai và sự hỗ trợ của Trung ương, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, điều trị các F0, chưa xảy ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chủ động xây dựng kịch bản sẵn sàng, dự phòng trong tình huống xấu, nếu số ca dương tính vượt quá 30.000 - 40.000 thì phải có nhiều phương án, trong đó có phương án điều trị F0 tại nhà và các cơ sở y tế xã, phường. 

This browser does not support the video element.

Người lao động thực hiện “3 tại chỗ” vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất.

Phóng viên: Mục tiêu của Đồng Nai đặt ra là đến trước ngày 1.9 kiểm soát được dịch theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Vậy, đến thời điểm này, liệu khả năng địa phương có đạt được như mục tiêu không?

- Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Chính phủ giao tỉnh Đồng Nai đến ngày 31.8 kiểm soát dịch bệnh, tiến tới kết thúc giãn cách xã hội. Hiện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện để đạt mục tiêu này, còn đạt được hay không thì đến ngày 30.8, chúng tôi sẽ có đánh giá lại. Nếu đảm bảo đạt mục tiêu thì kết thúc giãn cách, nếu không đạt mục tiêu buộc phải tiếp tục kéo dài giãn cách. 

Hiện nay việc sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, một số địa phương thực hiện chưa đảm bảo tiến độ, dẫn tới ảnh hưởng mục tiêu khống chế dịch bệnh. Do đó, chúng tôi đang nỗ lực chỉ đạo để các địa phương xét nghiệm sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. 

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là lực lượng y tế quá thiếu, vừa phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc, vừa tiêm vaccine, vừa lấy mẫu diện rộng, vừa phục vụ các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến... khiến lực lượng y tế bị chia mỏng. Dù tỉnh Đồng Nai cũng đã được tăng cường hơn 800 y, bác sĩ từ các địa phương khác chi viện, cùng khoảng 8.000 nhân viên y tế của địa phương, nhưng so với tỉnh Đồng Nai có dân số 3,7 triệu người, con số còn khiêm tốn. Để khắc phục thiếu nhân lực, tỉnh đã phải huy động thêm giáo viên, công chức tham gia thực hiện các công việc nhập liệu trong quá trình lấy mẫu.

Phóng viên: Nếu tiếp tục giãn cách dẫn đến việc đời sống đoàn viên công đoàn, người lao động rất khó khăn. Vậy tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo, giải pháp gì chăm lo tốt hơn để công nhân yên tâm “ở đâu ở yên đấy” ?

- Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Tôi lo nhất là giãn cách kéo dài! Giãn cách càng kéo dài thì đội ngũ y bác sĩ, tuyến đầu càng mệt mỏi, người dân càng mệt mỏi và nguồn lực càng cạn kiệt. Do đó, phải dứt điểm, nỗ lực ngăn chặn dịch sớm nhất, không để dây dưa kéo dài. Nếu giãn cách kéo dài, công nhân khó khăn nhiều hơn thì chúng ta phải giúp đỡ nhiều hơn. Do đó, thay vì bố trí nguồn lực xây dựng cơ bản, hạ tầng nông thôn, hạ tầng đô thị thì chấp nhận tạm dừng lại các công trình đó, lấy nguồn lực đó để giúp dân vượt qua đại dịch.

Lấy xã, phường làm “pháo đài” lo an sinh xã hội cho người dân

Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai có nhiều hoạt động chăm lo đời sống công nhân trong các khu vực bị cách ly, phong toả. Ảnh: Hà Anh Chiến 

Phóng viên: Tỉnh Đồng Nai đang có hơn 1 triệu công nhân lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn đang cần được giúp đỡ. Vậy, các chính sách an sinh xã hội đang được triển khai như thế nào để đến tận tay người dân?

- Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Chúng tôi lấy xã, phường làm “pháo đài” để hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn. Mọi nguồn lực và sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân cho tỉnh Đồng Nai ngay lập tức được chuyển về cho xã, phường để phân phối đến tay người dân. Quan trọng nhất hiện nay là hỗ trợ kịp thời cho người lao động tự do, người nghèo, công nhân ở trọ để họ vượt qua được đại dịch. 

Đồng Nai cũng đã thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ người dân khó khăn. Sau khi tiếp nhận, thông tin được truyền tải ngay đến cho các phường, xã, thị trấn để lên phương án hỗ trợ kịp thời. Các sở, ngành, địa phương cần tăng thêm đường dây nóng để làm sao tiếp nhận đầy đủ thông tin của người dân, hỗ trợ lương thực kịp thời, nhằm thực hiện an sinh xã hội một cách chu đáo. 

Ngoài chi hỗ trợ nhanh các đối tượng theo Nghị quyết 68, tỉnh Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ người trong đối tượng nằm ngoài Nghị quyết 68 gặp khó khăn. Sử dụng hai nguồn lực này để làm sao đưa đến cho người dân một cách nhanh nhất. Ngoài ra, các đoàn thể xã hội, lực lượng vũ trang công an, có chương trình đưa rau, thực phẩm về cho dân, huy động cả hệ thống chính trị hướng về người dân vượt qua khó khăn. 

Phóng viên: Để không xảy ra các tiêu cực trong quá trình hỗ trợ người dân, tỉnh có biện pháp gì giám sát?

- Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Chúng tôi cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra tiêu cực trong quá trình phân phối hỗ trợ người dân. Do đó, đã cử cán bộ tỉnh, huyện cùng về giám sát ở từng xã, phường để ngăn ngừa tiêu cực, làm sao sự ủng hộ của xã hội, nguồn lực của Nhà nước đến tay người nghèo một cách đúng đắn nhất, đàng hoàng nhất. Trường hợp cán bộ nào xảy ra tiêu cực, cấp ủy, chính quyền phải xử lý kịp thời, chấn chỉnh ngay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn