MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp trăn trở về câu nói "lên thành phố mà vẫn như cũ thì lên làm gì". Ảnh: Vũ Đăng

Bí thư TP Thủ Đức: Người dân nói lên TP nhưng vẫn như cũ thì lên làm gì

MINH QUÂN LDO | 16/09/2022 18:27

TPHCM - Theo Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp, khi hỏi người dân về TP Thủ Đức sau 18 tháng qua như thế nào, người dân nêu ý kiến thẳng rằng "cứ nghĩ lên TP, con hẻm gần nhà hết ngập nước nhưng vẫn thấy ngập, việc thu gom rác sẽ hiện đại hơn nhưng vẫn y như cũ thì lên TP làm gì”.

Giảm bớt hào hứng nhưng vẫn còn tin tưởng

Đó là trăn trở của Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp tại hội thảo khoa học hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố trực thuộc trung ương, từ thực tiễn TP Thủ Đức, ngày 16.9.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, sau khi giữ chức Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức (từ ngày 12.7.2022), ông đã đến 32 phường trên địa bàn và nhận được 204 câu hỏi từ người dân ở các khu phố.

Cụ thể, khi hỏi người dân về TP Thủ Đức sau gần 2 năm qua như thế nào, ông Hiệp nhận được câu trả lời "giảm bớt hào hứng nhưng vẫn còn tin tưởng".

“Người dân nêu ý kiến thẳng rằng cứ nghĩ lên thành phố, con hẻm gần nhà hết ngập nước nhưng vẫn thấy ngập, việc thu gom rác sẽ hiện đại hơn nhưng vẫn y như cũ thì lên thành phố làm gì. Những ý kiến này chưa phải là đại diện nhưng đây là câu trả lời cụ thể và phản ánh một phần bức tranh của 34 phường ở TP Thủ Đức" - ông Hiệp nói.

Nhiều tuyến đường TP Thủ Đức ngập sau mưa lớn. Ảnh: Minh Quân

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, sau khi sáp nhập 3 quận thì công tác phục vụ người dân có phần chậm hơn. “Công việc này trước đây 3 người làm nhưng nay chỉ có một người nên chậm là đúng. Công nghệ hiện nay chưa đủ sức phủ để người dân không phải đi lại trong giao dịch hành chính” – ông Hiệp nhìn nhận.

Nhiều người dân khi được hỏi cũng cho rằng TP Thủ Đức chưa có gì thay đổi. Tuy nhiên, trong 204 người có khoảng 113 người nói "xui" cho TP Thủ Đức, vì sau khi thành lập thì dính ngay dịch COVID-19.

“Dù không nại lý do khách quan để che đậy khiếm khuyết nhưng thực tế TP Thủ Đức đã toàn lực dành cho việc phòng, chống dịch COVID-19, không có thời gian nghiên cứu chính sách” – ông Hiệp nói.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Hữu Hiệp cũng đặt những câu hỏi, mô hình "thành phố trong thành phố" với quy mô trên 1 triệu người dân thì tổ chức bộ máy cấp phòng bao nhiêu nhân sự? Phải chăng TPHCM có bao nhiêu sở gì thì TP Thủ Đức có bấy nhiêu phòng hoặc 80% số phòng tương đương cấp sở? Phân bổ nguồn lực, phân quyền cho địa bàn TP Thủ Đức nên theo hình thức nào?

Kiến nghị gỡ "chiếc áo cơ chế" cho Thành phố Thủ Đức

Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó hiệu trưởng Trường đại học Luật TPHCM cho rằng, Thành phố Thủ Đức có 1,2 triệu dân nhưng 30% công chức, viên chức của 3 quận cũ bị cắt giảm, dẫn tới tình trạng khối lượng công việc tăng lên mà lực lượng cán bộ lại mỏng. Trong khi đó, chưa có cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn, dẫn đến áp lực rất lớn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo khối chính quyền.

Ngoài ra, về mặt cơ chế, thẩm quyền, nguồn lực triển khai và tổ chức bộ máy…, TP Thủ Đức chỉ tương đương cấp quận, huyện ở TPHCM. Điều này là chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và định hướng phát triển. “Nên chăng cần phải kiến nghị cho Thành phố Thủ Đức cơ chế như đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh” – ông Hải nói.

Theo ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, dù rất muốn nhưng theo quy định hiện nay, vẫn phải xác định TP Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó, cần nghiên cứu cơ chế đặc thù vượt trội và phân cấp phân quyền gì cho TP Thủ Đức để phát triển.

Về lâu dài, ông Bảy cho rằng phải đề xuất có Luật chính quyền đô thị để giải bài toán "xin cơ chế đặc thù" của các địa phương.

Tuy nhiên, trước mắt TPHCM xin Quốc hội tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước từ TPHCM cho TP Thủ Đức. Bên cạnh đó, đề xuất phân bổ lại ngân sách, tỉ lệ chia ngân sách theo hướng tăng cường để lại nguồn thu cho thành phố này.

Đồng thời, TPHCM kiến nghị Quốc hội cho phép chủ động trong việc giao biên chế đối với UBND TP Thủ Đức. Số lượng biên chế đối với khối chính quyền năm 2025 là 3/4 biên chế được giao của 3 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) trước khi hợp nhất. Ngoài ra, thành phố mong muốn được điều chỉnh tăng theo hướng Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức không quá 4 người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn