MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp Tấn Khởi, Bạc Liêu từ F0 đầu tiên trong công nhân đã lây lan hàng trăm người, doanh nghiệp đóng cửa, công nhân mất việc tạm thời, chủ doanh nghiệp bị phạt 20 triệu đồng. Ảnh: Nhật Hồ

Bị tỉnh “đẩy” chi phí cách ly, điều trị, doanh nghiệp than “đã hết sức rồi”

NHẬT HỒ LDO | 18/11/2021 16:06
Nghị quyết 128 Chính phủ như liều thuốc cởi trói cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, virus SARS-CoV-2 lại khiến các doanh nghiệp tại miền Tây gặp khó, bởi F0 liên tiếp tăng cao, số ca bệnh trong cộng đồng khó kiểm soát.

Thêm gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp

Ngày 17.11, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Sóc Trăng phát đi văn bản “phát huy vai trò trung tâm, chủ thể, chia sẻ nguồn lực của doanh nghiệp trong công tác phòng chống COVID-19”.

Doanh nghiệp đã gặp khó khăn nay phải chịu mọi chi phí cho việc cách ly điều trị khi công nhân mắc COVID-19 thật sự là gánh nặng đối với doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Hồ

Theo văn bản này, ngoài việc đề nghị các doanh nghiệp tự thành lập khu cách ly F1 (tự chăm sóc, cung cấp nhu yếu phẩm), còn chủ động trong sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm trong việc sản xuất kinh doanh an toàn.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị: “Mỗi doanh nghiệp chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở điều trị cấp tỉnh, cấp huyện trong thời gian người lao động của doanh nghiệp mắc COVID-19 đang điều trị tại địa phương”.

Bản thân công nhân vào nhà máy lúc có dịch COVID-19 cũng lo lắng. Ảnh: Nhật Hồ

Chia sẻ với Lao Động, một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng nêu: “Dịch bệnh là điều chẳng ai muốn, doanh nghiệp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ. Năm nay lợi nhuận gần như bằng không. Chúng tôi rất muốn chia sẻ với tỉnh, nhưng nói thật là đã hết sức rồi”.

Trong khi đó, một doanh nghiệp chế biến thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng cho rằng quy định này thật sự là gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Vừa sản xuất vừa run

Ông Trần Văn Diệu - Giám đốc Công ty Thủy sản Thái Minh Long (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, nhiều công ty hoạt động trong sự lo âu rất lớn, ranh giới mong manh trước dịch.

"Công ty có hàng trăm công nhân, có khi chỉ một công nhân lơ là, chủ quan là cả doanh nghiệp khốn đốn" - ông Diệu lo ngại.

Thường xuyên khử khuẩn phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Thực tế, tại tỉnh Bạc Liêu, Công ty Thủy sản Tấn Khởi và Công ty Thủy sản Châu Bá Thảo (thị xã Giá Rai) xảy ra ổ dịch và đã bùng phát hơn 1.000 ca F0 khiến nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc, giám đốc công ty bị phạt 20 triệu đồng.

Ông Trần Văn Diệu trần tình: "Rất áp lực bởi sự lây lan dịch bệnh, nỗi sợ đè lên vai chủ doanh nghiệp, chống dịch thì doanh nghiệp đã làm bằng mọi biện pháp, chấp nhận chi phí phát sinh rất lớn để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhưng có gì xảy ra thì truy cứu trách nhiệm này nọ thì ai dám làm. Kể cả anh em tuyến đầu chống dịch, khi xảy ra sự cố thì quy trách nhiệm lơ là, giải pháp không hiệu quả... thử hỏi ai dám hy sinh".

Tại Bạc Liêu, số F0 liên tiếp tăng cao vào những ngày qua, số ca mắc lên đến 7.800 ca. Tỉnh Cà Mau cũng đã vượt mốc 5.000 ca, còn Sóc Trăng đã lên đến trên 10.685 ca. Dịch bệnh bùng phát trở lại, các địa phương siết chặt quản lý khiến hoạt động doanh nghiệp càng khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn