MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quán bia hơi, lẩu nướng mọc trên các tuyến đường gom ven khu công nghiệp và đường gom cao tốc Hà Nội, Bắc Giang bất chấp biển cấm bán hàng. Ảnh: Nguyễn Kế

Bia hơi, hàng rong lấn chiếm đường gom ven khu công nghiệp ở Bắc Giang

Trần Tuấn - Nguyễn Kế LDO | 27/03/2023 11:26

Tại đường gom cạnh các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện hàng loạt hàng quán bán bia hơi, lẩu nướng, hàng rong tự phát bất chấp biển cấm.

Nhếch nhác, mất an toàn giao thông

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, vào các khung giờ cao điểm từ 7-8h sáng và 17-19h chiều mỗi ngày tại các đường gom ven các khu công nghiệp, đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, lối rẽ đường cao tốc trên địa bàn huyện Việt Yên và Yên Dũng xuất hiện nhiều chợ cóc, điểm bán hàng tự phát.

Việc người dân căng lều bạt, đứng bán hàng rong ngay dưới lòng đường xuất hiện khá phổ biến. Tình trạng này kéo theo hiện tượng người dân mua, bán hàng hóa dưới lòng đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Các hàng quán này bày bán đồ chơi, đồ gia dụng, quần áo, hoa quả, thậm chí bán đồ chế biến sẵn, quán bia hơi, lẩu nướng… cho khách ăn ngay tại vỉa hè.

Điểm bán hàng tự phát tại đường gom ven khu công nghiệp ở Bắc Giang. Ảnh: Nguyễn Kế

Không chỉ bày biện hàng hóa, người bán hàng còn đứng tràn ra lòng đường để chèo kéo, mời chào khách mua hàng, bất chấp ô tô, xe máy đang đi với tốc độ cao.

Anh Nguyễn Văn Tuyển, thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên cho hay, ngày nào đi làm qua đoạn đường này cũng gặp cảnh tắc đường, hàng trăm phương tiện ôtô xe máy qua lại, hàng quán bày bán tràn lan lấn chiếm hành lang, vỉa hè, xe cộ dừng đỗ dưới đường để mua hàng.

"Việc này rất dễ gây tai nạn giao thông bởi các xe đỗ ở đây che khuất tầm nhìn của các phương tiện phía sau”, anh Tuyển nói.

Khu chợ tạm, chợ cóc cũng tiềm ẩn nguy cơ liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nguyễn Kế

Ngoài ra, những khu chợ tạm, chợ cóc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường.

Việc xuất hiện chợ tự phát, chợ “cóc” trên địa bàn một phần là do các chợ truyền thống ở những khu vực này chưa đáp ứng nhu cầu nhanh, tiện, rẻ của công nhân các khu, cụm công nghiệp trong khi các chợ tự phát lại giải quyết được phần nào nhu cầu mua sắm đó của công nhân lao động.

Dù thực tế, các sản phẩm được bày bán ở các chợ tạm có thể không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như chưa bảo đảm được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Ông Lê Hoàng Bách, phó chủ tịch UBND huyện Việt Yên, cho biết, việc xử lý chợ tạm, chợ tự phát là bài toán khó đối với chính quyền các cấp, ngành chức năng.

Để không còn chợ tạm, chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, địa phương đã đưa ra các giải pháp đã được đưa ra như ra quân giải tỏa, xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông, xây dựng các chợ tập trung, xây dựng và mở rộng đường gom trên quốc lộ. Tuy vậy, vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng tình trạng chợ tự phát vẫn tái diễn. Ảnh: Nguyễn Kế

Ngoài các biện pháp trên, chính quyền địa phương đã yêu cầu các xã có khu công nghiệp ký cam kết thực hiện giải tỏa hành lang giao thông các tuyến đường trên địa bàn, trong đó yêu cầu các xã xây dựng kế hoạch giải tỏa triệt để các trường hợp bán hàng rong trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Đồng thời gắn trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này cho người đứng đầu cấp xã khi bình xét thi đua xếp loại cuối năm. Tới đây, huyện Việt Yên cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn