MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch. Ảnh: Nguyễn Long

Biến bãi bồi sông Hồng thành công viên: Lo ngại nguy cơ ngập úng

Vương Trần - Phạm Đông LDO | 28/03/2022 07:32

Trước đề xuất nghiên cứu biến bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hoá, du lịch của Hà Nội, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam bày tỏ lo lắng về khả năng chống lũ của sông cũng như tình trạng xói lở có thể gia tăng, ẩn chứa nguy cơ cao khi có mưa lũ.

Không nên tác động vào lòng sông, ảnh hưởng tới hành lang thoát lũ

Mới đây, Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa có buổi làm việc với thường trực Quận ủy Long Biên về công tác quản lý, sử dụng và phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn hai quận.

Theo đó, quận Hoàn Kiếm cho biết đang nghiên cứu, cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch...

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, việc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng của quận nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân.

Tuy nhiên, chính các nhà chức trách cũng nhìn nhận, diện tích khu vực này không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó, có một phần (khoảng 1ha) thuộc địa phận quận Long Biên. 

 Khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng.

Với việc diện tích không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng khi nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hồng dâng cao, cuộc sống của người dân sẽ bị xáo trộn. Các công trình xây dựng có thể sẽ bị ảnh hưởng, hư hỏng. Mặt khác, nếu vi phạm các hành lang thoát lũ có thể dẫn tới ngập úng ở những khu vực xung quanh.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) bày tỏ sự lo lắng về việc xây dựng các công trình ở khu vực bãi bồi, bãi giữa có thể ảnh hưởng tới hành lang thoát lũ. 

Ông không đồng tình với việc tác động vào lòng sông, bởi nếu làm thế khi có lũ sẽ rất nguy hiểm. Theo ông, nếu xây dựng các công trình ở lòng sông, vô tình sẽ ngăn dòng, nghẽn lại, gây ra xói lở hai bên bờ sông ở phía sau công trình. Mặt khác, địa chất ở các bãi bồi ở lòng sông chỉ toàn cát, không có đá, nên rất yếu. Việc xây dựng các công trình trên đó là không ổn.

GS.TS Vũ Trọng Hồng đưa ra cảnh báo, Hà Nội sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngập úng rất cao nếu sông Hồng không đảm bảo khả năng thoát lũ. Những khu vực ở vị trí thấp như ga Hàng Cỏ, khu chợ Giời (Phố Huế) sẽ ngập đầu tiên. Thiên tai bây giờ rất bất thường. Sông Hồng có thể gây ngập ngay cả khi không có lũ từ thượng nguồn mà chỉ có mưa lớn.

Hiện tượng thời tiết bất thường không thể lường trước

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, Hà Nội đã từng suýt ngập do mưa lớn thì không có lý do gì hiện tượng đó không tiếp tục xảy ra trong tương lai. Mặc dù tần suất lũ trên sông Hồng được tính toán là 500 năm mới xuất hiện một lần, tuy nhiên nó có thể xảy ra ngày mai hay bất cứ lúc nào. Có thể là 10 năm qua, trên sông Hồng không có lũ cấp 1 nhưng độ khoảng 50 năm nữa xuất hiện một trận lũ trên 13,5m thì làm thế nào?

GS.TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam

Do đó, ông Hồng nhấn mạnh không thể đứng quan sát hiện tại, thấy mực nước thấp như thế là cảm thấy an toàn để xây dựng các công trình, tác động vào lòng sông. Những hiện tượng thời tiết bất thường như thế thì không thể lường trước được. Sông Hồng có thể gây ngập ngay cả khi không có lũ từ thượng nguồn mà chỉ cần mưa lớn. 

Từ những phân tích trên, ông Hồng cho rằng dù ít hay nhiều thì mọi quy hoạch đều tránh tác động đến lòng sông hay khu vực bãi bồi ven bờ.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất – Khoáng sản cũng cho rằng đặc điểm của vùng đất ở ven sông, giữa sông, trong phạm vi hành lang lũ 100 năm là đất phù sa mới, chưa cố kết nên nhìn chung là yếu. 

Theo PGS.TS Văn, các nước trên thế giới đều thiết lập hành lang lũ 100 năm ở cả hai bên bờ sông. Trong hành lang đó không xây dựng các công trình kiên cố, chỉ trồng cây, làm vườn hoa. 

Ở Việt Nam, các con sông lớn đều có đê và hành lang thoát lũ dự phòng khi lũ cao, lũ to, đê vỡ... Bên trong hành lang thoát lũ này không được xây cất công trình kiên cố, thậm chí là công trình tạm. Thiên tai có những điều rất khó lường nên cần thực hiện nghiêm việc nghiêm việc bảo vệ an toàn đê điều, hành lang thoát lũ.

Ở một quan điểm khác, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì cho rằng, đề xuất của quận Hoàn Kiếm đã có đề tài nghiên cứu chi tiết nhiều mặt. Đề xuất khai thác bãi giữa, bãi bồi sông Hồng phù hợp với định hướng chung trong việc quy hoạch 2 bên bờ sông

Về an toàn đề điều, hành lang thoát lũ, ông Nghiêm cho rằng, trong đề tài quy hoạch đều có ý kiến về vấn đề chú trọng phòng chống lũ. Yêu cầu đặt ra khi khai thác bãi giữa, bãi bồi phải đảm bảo hành lang thoát lũ, đảm bảo an toàn tối đa.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu thì việc khai thác này sẽ tuỳ theo mức độ báo động. Ở từng mức, từng cột báo động sẽ có khu vực khai thác khác nhau cho phù hợp với từng loại hình, địa hình để đảm bảo an toàn. 

 Không đồng tình việc tác động vào lòng sông

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết, năm 1996, Hà Nội có mưa lũ, mực nước chỉ còn cách đỉnh đê 20cm. Dù trên thượng nguồn không có lũ, hồ chứa Hòa Bình không đầy nước mà chỉ mưa ở trung lưu và hạ lưu, nên ngập hết phía dưới và không ngăn được. Những hiện tượng thời tiết bất thường như thế thì không thể lường trước được. Do vậy, bản thân ông không đồng tình với việc tác động vào lòng sông, bởi nếu làm thế, khi có lũ rất nguy hiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn