MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến xây dựng nông thôn mới. Ảnh: PV

Biến đổi khí hậu là “rào cản” hạn chế xây dựng nông thôn mới

M.M LDO | 24/12/2019 19:15

Cùng với cả nước, vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đều chịu ảnh hưởng của và rủi ro thiên tai. Mặc dù biến đổi khí hậu là yếu tố khách quan nhưng vẫn được xem là rào cản và hạn chế trong xây dựng nông thôn mới. 

Nhiều loại hình thiên tai cản trở xây dựng nông thôn mới

Theo Ban Chủ nhiệm chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, các hiện tượng biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng lên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của quá trình xây dựng nông thôn mới, là rào cản cho quá trình hoàn thành mục tiêu nông thôn mới hiện tại và giữ vững  nông thôn mới bền vững trong tương lai.

Tại vùng Đông Nam Bộ, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi khô hạn, sạt lở vùng ven bờ và nước biển dâng. Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có tài nguyên đất bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là sạt lở đất nông nghiệp ở vùng ven biển. Nguồn nước suy kiệt trong mùa khô khiến không đủ nước tưới và làm cho các vùng trồng lúa, bắp ở các huyện Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán của tỉnh bị thiệt hại nặng. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô ngày càng gia tăng.

Trong khi đó ở vùng ĐBSCL, các loại rủi ro thiên tai chủ yếu bao gồm: Lũ lụt - ngập úng, hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn và sạt lở. Nhiều công trình nghiên cứu khẳng định vùng ĐBSCL là vùng dễ bị tổn thương của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thực tế cho thấy, mùa khô năm 2016, mặn đã xâm nhập sâu đến 90 km vào các tỉnh/thành ven biển ở ĐBSCL, với diện tích khoảng 300.000 ha (Entzinger, Han và Peter Scholten, 2016). Năm 2016, cả tỉnh Bến Tre có 155/164 xã, phường, thị trấn bị nhiễm mặn với độ mặn 1g/lít. Đây cũng là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL công bố thiên tai hạn mặn và phải đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 80 tỉ đồng để đắp đập tạm ngăn mặn.

Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động của biến đổi khí hậu

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn cũng là đối tượng dễ bị tác động của BĐKH. Các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể gây thiệt hại hoặc thậm chí phá hủy các công trình đang hiện hữu tại các địa phương, làm xấu đi diện mạo nông thôn mới, khiến các xã, huyện bị giảm hoặc mất đi tiêu chí nông thôn mới đã có.

Bên cạnh, sự bất thường, khó dự đoán trong tần suất, cường độ, chu kì của các hiện tượng cực đoan khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thiết kế, xác định ngưỡng chịu đựng của các công trình sẽ được xây dựng; quá trình này cản trở tiến độ hoàn thành mục tiêu nông thôn mới.

Tính tới tháng 6.2019 vùng ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km, trong đó sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268km. Từ 2017-6.2019, tỉnh An Giang đã xảy ra khoảng 120 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng làm mất đất đai, thiệt hại nhà cửa, cơ sở hạ tầng, đường giao thông ước tính lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô và diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, điểm nguy hiểm nhất được ghi nhận tại tỉnh Cà Mau với chiều dài 14km.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn