MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng làm nhiệm vụ bắt giữ vụ xuất lậu khẩu trang y tế qua Cửa khẩu quốc tếTịnh Biên bằng ôtô. Ảnh: LT

Biên giới Tây Nam: Nóng nạn xuất lậu khẩu trang y tế

Lục Tùng LDO | 13/03/2020 07:03

Đến nay, mức xử phạt hành chính cho trường hợp xuất lậu khẩu trang y tế (KTYT) tối đa chỉ 60 triệu đồng. Một mức phạt - theo cán bộ chống buôn lậu - là chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận. Thời gian tới, nạn xuất lậu KTYT dự báo sẽ tiếp tục nóng hơn nữa...

Phương thức xuất lậu tinh vi hơn

Từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 3, các lực lượng chống lậu trên địa bàn huyện Tịnh Biên đã phát hiện 4 vụ xuất lậu, thu giữ gần 200.000 chiếc KTYT”-  ông Phạm Văn Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên (Cục Hải quan tỉnh An Giang) cho biết.

Cùng thời điểm này, lực lượng chống buôn lậu ở địa bàn thị xã Tân Châu (An Giang) cũng phát hiện nhiều vụ xuất lậu, thu giữ số lượng lớn KTYT. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của bức tranh xuất lậu KTYT.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết thêm: Ngay sau Tết Nguyên đán, khi dịch COVID-19  xuất hiện và diễn biến phức tạp ở các nước, nhất là khi Campuchia bắt đầu xuất hiện các ca dương tính, thì hình hình xuất lậu mặt hàng KTYT bắt đầu phát sinh và diễn biến nóng”.

Theo đó, ban đầu, các đối tượng vận chuyển nhỏ lẻ số lượng từ 10.000 - 20.000 chiếc/chuyến trên các phương tiện thô sơ. Khi dịch diễn biến phức tạp, các đối tượng chuyển sang vận chuyển với số lượng lớn với phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh hơn. Điển hình là trường hợp Chi cục Hải quan, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên phối hợp kiểm tra, bắt giữ 164.600 chiếc khẩu trang tại địa bàn huyện Tịnh Biên vào ngày 8.3.

Theo ông Ngọc Hồ, nhiều khả năng nạn xuất lậu KTYT sẽ tiếp nóng hơn: “Khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chênh lệch giá mặt hàng khẩu trang giữa 2 nước là khá lớn (hiện giá bán bên phía Campuchia dao động từ 500.000 - 600.000đồng/hộp) thì tình hình xuất lậu mặt hàng khẩu trang sẽ vẫn còn tiếp diễn, với các phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn”.

Đã khó lại càng thêm rối

Theo ông Ngọc Hồ, về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu KTYT không có nhiều thay đổi so với buôn lậu các mặt hàng khác. Chủ yếu vẫn là lén lút, tìm đủ phương cách để vận chuyển và đối phó với các lực lượng chống buôn lậu... Theo đó, các đối tượng tập kết hàng sát với biên giới, rồi cử người “canh” lực lượng làm nhiệm vụ để thông báo né tránh... Khi có thời cơ thuận lợi, bất kể đêm, ngày, các đối tượng sử dụng phương tiện vỏ lãi, xuồng máy, xe môtô hoặc thuê người đai vác, chuyển nhỏ lẻ qua biên giới theo các đường mòn, lối mở.

Hơn thế nữa, do trùng vào mùa nắng hạn nên các dòng sông chung giờ cũng cạn nước... nên gần 100km giáp biên của An Giang đều trở thành đường vận chuyển thuận tiện cho các đối tượng xuất lậu KTYT. Trong khi đó việc phát hiện, bắt giữ lại gặp vô cùng khó khăn do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân do yếu tố khách quan, như: Lực lượng mỏng, tuyến biên giới trải dài... còn có nguyên nhân do chính... “cơ chế” gây ra.

Một cán bộ Hải quan Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên chia sẻ: Để phát hiện một vụ xuất lậu KTYT qua cửa khẩu chính trong bối cảnh hiện nay không hề đơn giản. Bởi theo chính sách đơn giản thủ tục hành chính hiện nay, có đến 90-95% lượng hàng hóa qua biên giới thuộc luồng xanh - tức ưu tiên. Vì vậy rất khó để tiến hành kiểm tra hàng hóa theo kiểu offline đối với các doanh nghiệp chưa mắc sai phạm trước đó. Đó là chưa kể đến yếu tố các đối tượng này cố tình ngụy trang, tạo tình huống giả... Do vậy, theo cán bộ này, để phát hiện, phải “bày binh bố trận” lực lượng trinh sát. Kỳ công là thế, nhưng tất cả những nỗ lực cho cuộc chiến đang hồi nóng bỏng này lại vướng phải “vùng lạnh”.

Bởi đến nay, mức phạt xử hành chính cho trường hợp xuất lậu KTYT tối đa chỉ 60 triệu đồng. Một mức phạt mà theo cán bộ chống lậu là chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận. Và vì thế nó khó tạo ra được tính răn đe - làm cơ sở để hạn chế khả năng xuất lậu KTYT trong thời gian tới. Trong khi đó khả năng xử lý hành sự để làm “chùn bước” các đối tượng này cũng đang  vướng khó. Ngoài yếu tố khó xác định “chính chủ” từ lời khai của các đối tượng chuyển hàng, lực lượng chống lậu còn gặp khó trong khâu xử lý.

Theo quy định, khi lô hàng buôn lậu có trị giá 100-300 triệu đồng thì xem xét xử lý hình sự. Nhưng cái khó hiện nay là không dễ để xác định giá trị hàng. Bởi nếu theo giá quy định thì rất thấp, còn theo giá thị trường thì không... dễ. Vì trên thực tế giá này luôn “nhảy múa” theo từng địa phương, từng thời điểm khác nhau. Thậm chí cùng địa điểm, cùng không gian, nhưng đối tượng mua khác nhau thì giá cũng khác nhau.

Để công tác chống xuất lậu KTYT đạt hiệu quả, góp phần giảm bớt căng thẳng nạn khan hiếm cục bộ trong nước, bên cạnh việc sớm ban hành hướng dẫn xử lý thích đáng hành vi để tạo ra sự răn đe, rất mong cơ quan có thẩm quyền siết chặt công tác quản lý trong nội địa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn