MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chất lượng của những chiếc bao bì tự hủy từ 100% tinh bột khoai tây có mẫu mã và chất lượng gần giống với những loại bao bì nhựa. Ảnh: NVCC

Biến khoai tây thành túi

Anh Nhàn LDO | 13/10/2019 15:35
Thời gian dài thử nghiệm từ tinh bột bắp đến tinh bột mì để sản xuất túi nhưng đều gặp thất bại, nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh (UEF) “mừng như gặp được vàng” khi lựa chọn nguyên liệu khoai tây để sản xuất lại thành công, cho ra những chiếc túi thân thiện với môi trường, thời gian phân hủy chỉ từ 3 - 5 tháng.

Ý tưởng hình thành từ lần ăn bánh tráng trộn

Trẻ, năng động, cùng quan tâm đặc biệt tới môi trường, nhóm sinh viên năm 3 đến từ trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh (UEF) từ “tay trắng” đã hình thành nên ý tưởng sản xuất túi đựng đồ thân thiện với môi trường, thay thế túi nylon là Nông Văn Phước và Đặng Nguyễn Xuân Trọng.

Chia sẻ về ý tưởng này, Nông Văn Phước cho biết: “Hiện nay, rác thải nhựa đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường. Tôi và các bạn trong nhóm luôn đau đáu ý tưởng làm ra một sản phẩm giảm thiểu sự ảnh hưởng của chúng đối với môi trường. Là sinh viên, tôi và nhiều bạn bè cùng trang lứa rất hay ăn bánh tráng trộn và món ăn này thường được đựng trong các túi nylon. Từ đó, tôi nghĩ đến việc mình phải làm sao thay thế loại bao bì này bằng một nguyên liệu hoàn toàn từ tinh bột. Thế là sản phẩm túi làm từ khoai tây của chúng tôi ra đời”.

Thời gian dài thử nghiệm với nhiều loại tinh bột khác nhau, như tinh bột bắp, tinh bột mì, nhóm của Phước đều gặp thất bại. Rất may mắn, các bạn tìm đến tinh bột khoai tây và đã thành công.

Sau mỗi vụ mùa sẽ có khoảng 2% khoai tây bị bỏ đi, nhóm sinh viên sẽ tận dụng những củ khoai tây bị sâu, không đạt chất lượng này để làm nguyên liệu sản xuất túi. Thời gian tới, nhóm còn tính đến phương án liên kết với các doanh nghiệp chế biến khoai tây để tận dụng phần vỏ, vì trong phần bỏ đi này vẫn còn một lượng lớn tinh bột.

Tinh bột khoai tây sau đó được pha với nước, glycerin và dấm ăn, rồi hỗn hợp này được đun ở nhiệt độ 80­ độ C đến 90 độ C tạo thành hồ tinh bột (dạng sánh). Hồ tinh bột tiếp tục được đổ vào khuôn và tiến hành sấy ở một nhiệt độ nhất định để tạo thành túi tái chế từ khoai tây.

Quá trình thực nghiệm cho thấy, chất lượng của những chiếc bao bì tự hủy từ 100% tinh bột khoai tây có mẫu mã và chất lượng gần giống với những loại bao bì nhựa.  Túi được làm từ bột khoai tây có khả năng chống thấm nước, chịu được vật có trọng lượng trên dưới 2kg. Ưu điểm của những chiếc bao bì được làm từ tinh bột khoai tây là không chứa các kim loại nặng nên rất an toàn với người sử dụng.

Nhìn vào thành quả là thế nhưng ít ai biết rằng, quá trình làm nên sản phẩm cũng “trầy vi tróc vảy”. Phước tâm sự: “Các thành viên trong nhóm đều không học chuyên ngành về hóa học, không có chuyên môn sâu nên mọi kiến thức và tài liệu liên quan đều phải tự tìm hiểu. Chúng tôi cứ làm tới đâu học thêm tới đó, vừa làm vừa học vì đều là những người tay ngang.

Đến công đoạn sấy cũng rất gian nan khi nhóm không có máy sấy chuyên dụng. Có thời điểm nhóm phải tiến hành phơi nắng để sấy sản phẩm. Có hôm gặp trời mưa, vậy là công sức cho nhiều công đoạn trước đó coi như mất trắng, phải làm lại từ đầu. Chỉ có sự đam mê và không sợ thất bại thì họ mới hoàn thành được sản phẩm từ rất nhiều lần sai sót.

Nông Văn Phước và Đặng Nguyễn Xuân Trọng với sản phẩm bao bì tự hủy từ tinh bột Khoai tây. Ảnh: NVCC

Ước mơ sản phẩm từ phòng thí nghiệm “bay” đến thị trường tiêu thụ

Ngoài bao bì làm từ khoai tây, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được thìa và chén dùng một lần từ tinh bột khoai tây. Các sản phẩm này đều có thể sử dụng trong nước lạnh và nước nóng trong khoảng thời gian là 30 - 45 phút.

Không chỉ là sản phẩm từ phòng thí nghiệm, các bạn trẻ đang nung nấu ước mơ đem những sản phẩm này ra thị trường. Hiện nay nhóm đang tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để hoàn thiện hơn về sản phẩm và mô hình kinh doanh. Rồi sau đó, nhóm mới dự định tung sản phẩm này bán ra thị trường.

“Hiện nay vấn đề về môi trường đang là một vấn đề nóng của xã hội, ý thức bảo vệ môi trường của mọi người ngày càng được nâng cao và nhiều người sẵn sàng trả giá cao hơn để mua những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, một số quốc gia trên thế giới đã cấm sử dụng bao bì nylon nên nhu cầu về những bao bì thân thiện với môi trường là rất lớn. Khó khăn của sản phẩm này là giá thành cao, tuy nhiên vấn đề này có thể giải quyết nhanh chóng vì giá thành những sản phẩm bao bì được làm từ polymer sẽ tăng theo giá dầu, còn những sản phẩm được làm từ tinh bột sẽ giảm khi sản lượng tinh bột tăng và sản xuất trên quy mô công nghiệp” - Phước nói về ước mơ đem các sản phẩm từ tinh bột khoai tây của mình ứng dụng vào cuộc sống.

Cùng chung ý tưởng kinh doanh, Đặng Nguyễn Xuân Trọng - thành viên nhóm - chia sẻ, vì chi phí sản xuất một chiếc túi tái chế là không nhỏ, nên nhóm hướng đến khách hàng có điều kiện về kinh tế và có sự quan tâm tới môi trường. 

Trong tương lai, nhóm sẽ đặt vấn đề hợp tác sản xuất với các doanh nghiệp coi trọng bảo vệ môi trường và thích sản phẩm tái chế. Bên cạnh đó, khách du lịch tại các khu nghỉ dưỡng với điều kiện kinh tế cao cũng sẽ là khách hàng tiềm năng của nhóm.

“Bằng cách chứng minh tính khả thi sản phẩm, đem chúng len lỏi vào cuộc sống của từng người, từng nhà chính là cách để giáo dục cộng đồng ý thức bảo vệ môi trường nhiều hơn. Nhóm muốn hợp tác và cùng lan tỏa mô hình có nhiều tác động tích cực tới môi trường này để có nhiều hơn những doanh nghiệp làm những sản phẩm tái chế như thế này” - Trọng bày tỏ kỳ vọng.

Bao bì tự phân hủy từ tinh bột khoai tây là sản phẩm lọt Top 10 của cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2019" do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức. Sản phẩm thân thiện môi trường này tiếp tục tranh tài tại Chung kết cuộc thi SV STARTUP 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 4 - 5.10.2019.

"Bản thân tôi quan niệm rằng, những sản phẩm từ nhựa không hề xấu, nhựa rẻ, bền và linh hoạt. Cái sai ở đây là ý thức của mọi người khi sử dụng đồ dùng bằng nhựa. Họ vứt không đúng chỗ, xử lý không đúng cách và quá lạm dụng đồ nhựa vì tính tiện lợi của nó. Nhóm chúng tôi mong muốn những sản phẩm làm ra sẽ góp phần giảm lượng giác thải nhựa đến với môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người" - Nông Văn Phước - Trưởng nhóm sinh viên tạo ra sản phẩm bao bì tự phân hủy từ tinh bột khoai tây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn