MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ sạt lở nhấn chìm dãy ki ốt 5 căn xuống sông Cần Giuộc. Ảnh: An Long

Biển lở từ bờ Tây sang bờ Đông

NHÓM PV LDO | 10/06/2023 06:26

Trong khi sạt lở bờ sông đang diễn biến ngày càng phức tạp thì ngoài biển, từ biển Tây sang biển Đông, đặc biệt là khu vực Bán đảo Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, tình trạng lở cũng đã đến hồi báo động... 

10 năm, biển “ngoạm” mất 1 xã

Tháng 7.2022, tỉnh Cà Mau phải rút ngắn kì họp HĐND để lãnh đạo tỉnh thị sát và chỉ huy công tác khắc phục khi tuyến đê biển Tây tại huyện Trần Văn Thời và U Minh sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phải ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển Tây thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh bao gồm 5 vị trí với tổng chiều dài 2.692 m.

Tỉnh Cà Mau có hơn 250 km bờ biển có đến 171 km bị sạt lở và đang trong diện nguy cơ sạt lở, tức chiếm gần 70%. Sạt lở bờ biển mỗi năm làm Cà Mau mất đi từ 300 - 400 ha đất và rừng phòng hộ.

Ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau - cho biết, Cà Mau 3 mặt giáp biển, nhưng bờ biển nào cũng đang đối mặt với tình trạng sạt lở. Thống kê trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, sạt lở đã khiến tỉnh Cà Mau mất đất, mất rừng với diện tích tương đương diện tích bình quân một xã.

Tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau có chiều dài 108 km, bảo vệ cho khoảng 26.160 hộ dân và gần 128.972 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản thuộc 3 huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân.

Ông Bùi Văn Đông - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều - cho biết, qua khảo sát và quan trắc chiều dài bờ biển Tây, hiện có khoảng 89 km bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng và nghiêm trọng. Nhiều vị trí không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển tác động trực tiếp vào mái đê, rất nguy hiểm.

Theo ông Phạm Văn Tuyển, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách đây 20 năm nhà có 4 ha nuôi tôm, qua nhiều lần biển lở, 4 ha đất nay nằm tuốt ngoài biển.

Cũng trên tuyến biển Tây, tháng 6.2022, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển nghiêm trọng cần khắc phục tại khu vực xã Vân Khánh, huyện An Minh.

Trước đó vào 23.5, ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài và gió mạnh khiến sóng biển dâng cao đã làm đứt đoạn đê (chiều dài 30 m, chiều rộng 25 m), đoạn từ Vàm Kim Quy hướng về cống Mương Đào, thuộc địa bàn xã Vân Khánh, huyện An Minh. Đê biển bị vỡ làm nước biển tràn vào phía trong đê, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân trong đê với khoảng 500 ha diện tích sản xuất và 150 hộ dân có thể bị ảnh hưởng.
Hiện trường sạt lở đê biển Đông ở Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Biển Đông cũng dậy sóng

Tại Bạc Liêu, tháng 3.2023, Ban Quản lí Dự án đầu tư - xây dựng các công trình NNPTNT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp xử lí hố xói và gia cố lòng sông để xử lí triệt để nhằm đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài cho công trình Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải).

Cách đó không lâu, tuyến đê biển Đông đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở kéo dài hơn 30 m, ăn sâu vào chân đê, gây ra nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.

Có nhà ở gần khu vực sạt lở, anh Trần Sơn Dũng chia sẻ, trước đó khoảng 3 ngày khu vực này có sóng to, gió lớn đập mạnh vào thân đê, làm đất đá văng lên tràn qua thân đê vào bên trong khoảng hơn 10 m. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở đê biển Đông, đoạn K0+000 - K0+046 (đoạn đầu tuyến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng) thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu.

Trong khi đó, tại khu vực biển Đông của tỉnh Cà Mau với tổng số hơn 142 km chiều dài bờ biển hiện nay cũng đã có hơn 82 km đang trong tình trạng sạt lở. Càng nguy hiểm hơn khi khu vực này chưa có đê, dù chỉ là đê đất.

Ông Huỳnh Văn Xê - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng - cho biết, từ năm 2014 đến nay, có ít nhất hơn 500 ha rừng phòng hộ bị mất do sạt lở, có nơi sạt lở sâu vào hơn 30 m, như cửa Bồ Đề, Hóc Năng… Dọc theo khu vực bờ biển Đông, hiện nay không khó để bắt gặp cây đước, mắm đủ kích cỡ nằm ngổn ngang, những căn nhà, trụ sở, chốt quản lí bảo vệ rừng, trạm kiểm soát của bộ đội biên phòng… bị bỏ hoang và xơ xác vì sóng biển, sạt lở.

Một ngày 4 vụ sạt lở nghiêm trọng tại ĐBSCL

Rạng sáng ngày 9.6, khu vực bờ sông Cần Giuộc (đoạn qua xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đã xảy ra sạt lở nhấn chìm một dãy nhà 5 kiốt xuống sông. 

Ông Lê Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lại - cho biết: Sạt lở đã lấn đến mép đường tỉnh 826C, mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt. Đây là tuyến đường chính kết nối các xã thuộc vùng hạ của huyện Cần Giuộc, nếu bị sạt lở sẽ cắt đứt lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp trong khu vực.

Trước đó, vào các ngày 7 và chiều tối 8.6, tại xã Tân Phong (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cũng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng. Tổng chiều dài đoạn sạt lở, có nguy cơ sạt lở khoảng 170 m.

Cũng vào rạng sáng 9.6, trên tuyến kênh Nha Mân - Tư Tải (đoạn thuộc ấp Tân Hựu, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) xảy ra vụ sạt lở dài khoảng 30 m, làm một nhà kho vật tư nông nghiệp và một tiệm sửa xe bị nhấn chìm xuống sông.

Cùng ngày, tại ấp Phú An, xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long xảy ra 2 đoạn sạt lở và nguy cơ sạt lở sông Cái Cao dài hơn 300 m ảnh hưởng đến 24 hộ dân có hơn 120 nhân khẩu. NHÓM PV

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn