MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi thể các nạn nhân tử vong trong vụ chìm sà lan đã được lên bờ. Ảnh: Viên Nguyễn

Biên phòng Quảng Nam lên tiếng vụ chìm sà lan khiến 4 người chết, 5 người mất tích

VIÊN NGUYỄN LDO | 27/04/2024 19:30

Liên quan đến vụ tai nạn trên biển khiến 4 người tử vong, 5 người mất tích, nhưng trong số 4 thi thể tìm thấy và xác nhận danh tính, không nạn nhân nào có tên trong danh sách 5 thuyền viên như đăng ký lúc xuất bến. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã lên tiếng, làm rõ thêm vụ việc.

Có thêm 4 người đã nhảy lên tàu kéo

Như Báo Lao Động đã đưa tin, khoảng 4h ngày 24.4, tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 đang từ Kỳ Hà (Quảng Nam) đi huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trên hành trình đến khu vực biển, cách đảo Lý Sơn khoảng 3 hải lý thì xảy ra sự cố, khiến tàu kéo và sà lan bị chìm, khiến 4 người tử vong (đã tìm được thi thể và nhận dạng danh tính), 5 người đăng ký trong danh sách thuyền viên lúc xuất bến hiện mất tích.

Điều bất ngờ là trong số 4 thi thể được tìm thấy và xác nhận danh tính, không nạn nhân nào có tên trong danh sách 5 thuyền viên như đăng ký lúc xuất bến. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã lên tiếng, làm rõ hơn vụ việc.

Lực lượng biên phòng tổ chức tìm kiếm người mất tích trong vụ chìm sà lan kể trên. Ảnh: Biên phòng Quảng Ngãi

Theo Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, sau khi tai nạn kể trên xảy ra, Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà tiến hành điều tra, báo cáo vụ việc.

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, Trung tá Đỗ Xuân Trinh - Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, qua làm việc với biên phòng, ông Nguyễn Tài Thịnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Lý Tuấn (đơn vị thuê tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan vận chuyển LA-06883) khai báo, khoảng 10h30 ngày 23.4, ông đại diện cho công ty đến Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà làm thủ tục xuất bến cho 5 người và phương tiện, gồm một tàu kéo và một sà lan. Ông Thịnh có mang theo giấy tờ tuỳ thân của 5 người gồm ông Võ Tấn Khương, Võ Văn Nhiều, Bùi Minh Trí (tỉnh Quảng Ngãi); ông Phạm Văn Hiệp, Đặng Minh Phương (tỉnh Long An). Sau khi làm thủ tục ở Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà xong, ông Thịnh tiếp tục đến Cảng vụ hàng hải Quảng Nam làm thủ tục, và được cảng vụ cấp giấy phép rời bến. Sau đó ông Thịnh đưa giấy phép và giấy tờ liên quan cho thuyền trưởng Phạm Văn Hiệp. Tiếp đến, lực lượng biên phòng xuống kiểm tra, giám sát tàu kéo và sà lan. Thời điểm đó, trên tàu kéo có 5 thuyền như đã đăng ký.

Cũng khai báo với biên phòng, ông Thịnh khẳng định mình chỉ làm xong thủ tục rồi quay về, hoàn toàn không biết trên tàu có thêm 4 người đã tử vong vụ sau vụ chìm sà lan kể trên.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tổ chức tìm kiếm người mất tích trong vụ chìm sà lan kể trên. Ảnh: Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi

Tiếp tục điều tra, lực lượng biên phòng Quảng Nam đã làm việc với ông Nguyễn Thanh Nhã - người trông coi đầu kéo Mỹ An 25 của Công ty TNHH Thương mại Vận tải Xây dựng Mỹ An. Ông Nguyễn Thanh Nhã khai báo, khoảng 10h30 ngày 23.4, có 4 người nhảy xuống đầu kéo Mỹ An 25 để ngồi (4 người này không phải của Công ty Mỹ An). Thấy vậy, ông Nhã hỏi họ ngồi trên đầu kéo Mỹ An 25 để làm gì, thì 4 người này bảo, xin ngồi nhờ trên đầu kéo Mỹ An 25 để trốn biên phòng kiểm tra. Tiếp đó, khoảng 12h10, tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 đến đón 4 người này lên tàu, sau đó tiếp tục hành trình".

“Khả năng 4 người này chờ sẵn trên đầu kéo Mỹ An 25, vì họ đã có tính toán từ trước. 4 người này lên tàu để làm việc hay là hành khách thì chúng tôi chưa xác định được. Tuy nhiên, qua các thông tin chắp nối lại, chúng tôi nhận định trên tàu kéo LA-06695 có 9 người” - Trung tá Đỗ Xuân Trinh nhận định.

Cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan

Trung tá Đỗ Xuân Trinh cho hay, khi tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 rời cảng Kỳ Hà thì trách nhiệm đảm bảo an toàn cho phương tiện và thuyền viên trên tàu thuộc về thuyền trưởng. Người thuyền trưởng này do Công ty TNHH Lý Tuấn thuê. Ngoài ra, phải căn cứ vào hợp đồng thuê tàu kéo, sà lan, giữa chủ tàu (Công ty TNHH MTV Minh Linh) và đơn vị thuê tàu, sà lan vận chuyển (Công ty TNHH Lý Tuấn) có điều khoản nào ghi, khi xảy ra tai nạn thì ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm hay không. Trên cơ sở đó, mới xác định được trách nhiệm của các bên liên quan khi tai nạn xảy ra”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trong quá trình kiểm tra, lực lượng biên phòng và Cảng vụ hàng hải Quảng Nam đã kiểm tra rất kỹ, đúng quy trình, mới cho tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 xuất bến”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn