MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Biến thách thức thành cơ hội để phát triển vùng ĐBSCL

Thành Nhân LDO | 20/11/2020 15:12

Ngày 20.11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo tham vấn về “Định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại TP.Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc tại buổi hội thảo, ông Trần Quốc Phương - Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn quả của cả nước góp phần quan trọng vào an toàn lương thực của quốc gia và đóng góp to lớn vào xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay, vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức bao gồm: tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thảm họa thiên tai khác gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt tại các đô thị tuyến dân cư,... ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống người dân có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng

ông Trần Quốc Phương - Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - phát biểu khai mạc tại buổi hội thảo tham vấn về “Định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại TP.Cần Thơ. Ảnh: Thành Nhân

PGS.TS Doãn Hà Phong - Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho rằng, cần phải tăng cường thông tin, số liêụ và lập bản đồ sụt lún toàn vùng. Trong đó, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến lún tại một số khu vực có mức độ lún cao cho giai đoạn đến năm 2050; Lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt, lún đất,...

Vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức bao gồm: tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong ảnh là một góc TP.Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL. Ảnh: Thành Nhân

GS.TS Tăng Đức Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, ĐBSCL đang chịu các tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được, bao gồm: Phát triển thượng lưu Mê Kông làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy, Biến đổi khí hậu - Nước biển dâng và tác động do phát triển nội tại gây lún sụt đất, hạ thấp đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng.

GS.TS Tăng Đức Thắng cho rằng, để phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là các ngành nông nghiệp. Đây cũng là giải pháp quan trọng để khai thác tối ưu nguồn tài nguyên thiên nhiên đất - nước - ánh sáng và phát triển nền nông nghiệp (Trồng trọt - Thủy sản - Chăn nuôi) theo hướng sinh thái hữu cơ chất lượng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn