MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chung cư mini nở rộ trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Cao Nguyên

Biến tướng chung cư mini: Bất cập từ chính sách tới buông lỏng quản lý

Cao Nguyên LDO | 18/09/2023 07:25

Việc chung cư mini bị biến tướng và nở rộ có nguyên nhân từ bất cập trong quy định pháp luật và sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Điều này làm quá tải kết cấu hạ tầng khu vực, thậm chí khi xảy ra sự cố về cháy nổ sẽ trở thành thảm họa như vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (quận Thanh Xuân) khiến 56 người tử vong.

Bất cập từ chính sách tới buông lỏng quản lý

Thực tế, những năm qua chung cư mini được xây dựng nhiều, phần nào cũng đáp ứng nhu cầu về nhà tại các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc xây dựng ngày càng nhiều loại hình nhà ở này gây ra quá tải về hạ tầng kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và rất nhiều hệ lụy khác.

Từ năm 2020, Bộ Xây dựng có văn bản nhắc nhở các địa phương tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở (hay còn gọi chung cư mini).

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) - cho rằng, việc nở rộ chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát có nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.

Đơn cử, Luật Nhà ở 2014, tại Điều 46, đã cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ 2 căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của luật này thì được công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.

"Quy định đó đã tạo cơ sở pháp lý dẫn đến tình trạng phát triển loại nhà chung cư mini, chung cư hộp diêm, làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, làm phá vỡ quy hoạch, gây trở ngại cho công tác chỉnh trang đô thị" - HoREA nêu.

Tiếp đó, theo ông Châu, tại các khu vực đô thị của một số địa phương, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Chính Bộ Xây dựng cũng thừa nhận điều này và cho rằng, các hộ gia đình, cá nhân xây không theo quy hoạch, sai phép, không đảm bảo tiêu chuẩn về PCCC, tự ý nâng tầng, bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ để cho thuê, mua bán. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát toàn bộ công trình chung cư mini, phát hiện vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC.

Ngoài ra, bộ yêu cầu có giải pháp ngăn cách khu để xe với khu vực ở, có lối thoát nạn riêng, đầu tư trang thiết bị về PCCC phù hợp, bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý, vận hành tòa nhà.

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát loại hình chung cư mini sau sự cố hỏa hoạn vừa qua. Ảnh: Cao Nguyên

Sửa tận gốc vấn đề

Trong khi đó, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét sửa đổi Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014 để ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng xây dựng nhà chung cư mini, biến tướng để bán, chuyển nhượng các phòng ở mini tại các đô thị.

Theo đó, quy định hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở.

Ngoài ra, trường hợp nhà chung cư mà tất cả các căn hộ có diện tích sử dụng tối thiểu và phòng ở theo quy định của Bộ Xây dựng thì chỉ được cho thuê, không được bán, chuyển nhượng từng căn hộ, hoặc từng phòng ở.

Quản chặt cấp phép xây dựng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký công văn gửi UBND các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, PCCC, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng với chung cư mini. Đặc biệt, phải chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, PCCC của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Người dân bất an sống tại các chung cư cũ ở Đà Nẵng

Nhiều người dân ở các chung cư của TP Đà Nẵng bày tỏ lo lắng về độ an toàn nơi mình sống. Bà Đặng Tươi, người dân chung cư Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) không khỏi hoang mang bởi, hiện bà cùng gia đình đang sinh sống tại tầng hai một chung cư cũ. Ghi nhận thực tế cho thấy các khu chung cư Thuận Phước, Lâm đặc sản Hòa Cường (cùng thuộc quận Hải Châu) và chung cư Hòa Minh (quận Liên Chiểu) hiện đã hết niên hạn và xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ các chung cư này chỉ có duy nhất một cầu thang để di chuyển lên xuống cho gần 300 người tại một khu nhà. Hệ thống dây điện, tủ điện của các hộ dân đều được thiết kế sơ sài, chằng chịt và lộ thiên, khi chập cháy điện sẽ rất dễ xảy ra tình trạng cháy lan. Theo ông Nguyễn Văn Duy - Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu: “Các chung cư cũ không đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy”. Ng.Linh - Văn Trực

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn