MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Chín Nghĩa thăm lại căn hầm nơi cất giấu vũ khí tấn công nội ô Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Trường Sơn.

Biệt động Sài Gòn kể chuyện đánh địch Tết Mậu Thân 1968

NAM DƯƠNG LDO | 17/02/2018 14:00
Ngày còn nhỏ, khi được xem phim “Biệt động Sài Gòn”, tôi vẫn thường mong ước có một ngày được gặp những con người thật trong phim đó. Rồi nghề làm báo, với cơ duyên đưa đẩy, đã giúp mơ ước của tôi thành hiện thực.

Tôi được gặp gỡ, lắng nghe những thần tượng của mình và người thân của họ kể lại chuyện thật về những trận đánh địch trên đường phố Sài Gòn. Một trong những câu chuyện đó là lực lượng Biệt động Sài Gòn (BĐSG) tấn công vào Dinh Độc lập dịp Tết Mậu Thân 1968 gây chấn động chính quyền Sài Gòn và nước Mỹ khi đó.

Trận đánh qua lời kể của nhân chứng lịch sử

Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa), nữ chiến sĩ BĐSG duy nhất của Đội 5 BĐSG, 1 trong 4 nhân chứng còn sống đã từng tham gia tấn công Dinh Độc lập dịp Tết Mậu Thân năm 1968, năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng còn rất khỏe mạnh và minh mẫn so với lứa tuổi “xưa nay hiếm”. Ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TPHCM, nơi có căn hầm cất giấu hơn 2 tấn vũ khí để tấn công Dinh Độc lập và một số mục tiêu khác trong nội thành Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân, nay đã là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Bà Chín Nghĩa và vợ con ông Trần Văn Lai (thứ 3 và 4 từ trái qua) thắp hương cho các đồng đội tại căn hầm.

Bà Chín Nghĩa bồi hồi nhớ lại: Chiều mùng 1 Tết, 15 cán bộ, chiến sĩ BĐSG ở nhiều đơn vị khác nhau được điều động tập trung về căn hầm trên để chuẩn bị tấn công địch. Gần đến giờ G, chỉ huy trưởng Tô Hoài Thanh (bí danh Ba Thanh) mới phổ biến mục tiêu tấn công của Đội 5 BĐSG là Dinh Độc lập và phải giữ trận địa, 15 - 30 phút sẽ có quân chi viện. Khoảng 1h30 sáng, chúng tôi lên 3 chiếc xe ôtô chở vũ khí, trong đó có hai xe của ông nhà thầu khoán Trần Văn Lai, để đi tấn công Dinh Độc Lập.

Khi đoàn xe tới đường Nguyễn Du, những ụ gác của địch ở đây nhốn nháo đề phòng. Chiếc xe đi đầu đã tiêu diệt ụ gác đầu tiên, rồi nhanh chóng phóng đến cổng sau Dinh Độc Lập để một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng. Không may, khối thuốc không nổ, 5 chiến sĩ đành công kênh trèo qua tường rào, tấn công vào dinh. Lực lượng phòng vệ của địch sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, 5 người hy sinh tại chỗ.

“Lúc này, tôi cũng đã bị thương vào bụng, máu ướt đẫm áo. Tôi đỡ anh Ba Thanh bị trúng đạn vào ngực trên tay mình. Trước khi hy sinh, anh Ba Thanh căn dặn chúng tôi phải giữ vững trận địa, không được rút, chờ quân chi viện. Gần sáng, không thấy quân chi viện, 8 chiến sĩ còn lại rút vào một cao ốc đang xây dở gần đó, chống trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của kẻ thù. Tại đây, chiến sĩ Lê Tấn Quốc hy sinh, chỉ còn 7 người. Sau gần một ngày nữa cầm cự, cuối cùng, 7 người cũng bị địch bắt. 

Sau một thời gian bị giam giữ, tra tấn, một hôm chính quyền Sài Gòn đem chúng tôi đi thủ tiêu. “Chúng bịt mắt chở chúng tôi trên một chiếc xe đến một nơi nào đó, lôi xuống, rồi lên lên đạn lách cách. Lúc này, chúng tôi nghĩ mình sẽ hy sinh. Đột nhiên, im lặng khá lâu, rồi một tên nói to: “Số chúng mày hên quá nên chưa chết!”. Chúng tôi được chở về trại giam.

Sau này, chúng tôi nghe kể lại, khi chính quyền Sài Gòn rêu rao sẽ tử hình tất cả BĐSG tấn công Dinh Độc lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát đi tuyên bố, nếu chính quyền Sài Gòn bắn những BĐSG trên, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ xử tử hình một số sĩ quan cao cấp của địch. Có lẽ vì thế, chúng không dám bắn chúng tôi” - bà Chín Nghĩa xúc động kể.

Các cựu BĐSG thắp hương tại bia tưởng niệm các chiến sĩ BĐSG hy sinh năm 1968. Ảnh: Trường Sơn.

Ước mơ về Bảo tàng Đội 5 Biệt động Sài Gòn

Để có trận tấn công của lực lượng BĐSG vào Dinh Độc lập Tết Mậu Thân 1968 gây rung chuyển cả chính trường Việt Nam và Mỹ khi đó, không thể không nhắc đến công lao của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai (bí danh Năm Lai, Năm U.Som, nguyên mẫu của nhân vật Tư Chung, chủ hãng sơn Đông Á trong phim BĐSG nổi tiếng sau này).

Ông Năm Lai sinh năm 1920, trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, 13 tuổi phải đi ở đợ cho một ông chủ người Pháp, rồi dần dần Nam tiến lập nghiệp và từng bước tham gia tích cực vào hoạt động cách mạng. 

Nhờ sự nhanh nhẹn, tháo vát, thông minh hiếm có, cộng với sự chỉ đạo tài tình của cấp trên và sự hy sinh to lớn, thầm lặng của hai người vợ cùng chí hướng, ông Năm Lai đã “hóa thân”, “vào vai” một cách tròn trịa nhà thầu khoán nổi tiếng Mai Hồng Quế, chuyên trang trí nội thất cho Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn và vào làm việc tại cơ quan Viện trợ U.Som của Mỹ.

 Với “vỏ bọc” hoàn hảo này, ông Năm Lai đã nhiều lần chở trên 2 tấn vũ khí gồm B.40, B.41, lựu đạn, súng AK, thuốc nổ TNT… về và một mình đưa xuống hầm ngầm nói trên cất giấu chờ ngày đánh địch. Ngoài ra, ông còn tích cực giúp sức cho các chiến sĩ nằm vùng trong lòng địch cũng như tiếp tế tiền của phục vụ cho cuộc chiến tranh vệ quốc lâu dài của cách mạng.

Anh Trần Vũ Bình, hiện là Trưởng đại diện Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tại TPHCM, con thứ ba của ông Năm Lai, chia sẻ: “Bố tôi chọn tên Mai Hồng Quế là đặc trưng của ba miền đất nước. Hoa mai của miền Nam, hồng là màu của hoa đào miền Bắc, còn quế là cây đặc trưng của miền Trung. Những năm cuối đời, bố tôi thường về sống tại căn hầm trên, thờ cúng cho các đồng đội đã xuất phát từ đây đi đánh giặc rồi hy sinh.

Anh Trần Vũ Bình thắp nhang cho các đồng đội của ông Trần Văn Lai tại bia tưởng niệm các chiến sĩ BĐSG hy sinh trong trận tấn công vào Dinh Độc lập Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Trường Sơn.

Do đặc thù của BĐSG, nhiều người khi tập trung về đây chỉ dùng tên giả, nên khi họ hy sinh, cũng không có tên, tuổi, địa chỉ thật để tìm gia đình, vì thế cũng chẳng có một tấm hình để thờ cúng. Ước nguyện cuối đời của ba tôi (ông Năm Lai mất năm 2002) và các đồng đội là xây dựng được tấm bia tưởng niệm các chiến sĩ BĐSG ngay tại nơi đã hy sinh khi tấn công vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968. Dù có nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng, tấm bia đó cũng được hoàn thành. Ngày 5.12.2017 vừa qua, các đồng đội của ba tôi đã chính thức làm lễ mời vong linh các chú, bác đã hy sinh về nơi thờ cúng mới”.

Với sự thương yêu, kính trọng bố và các đồng đội của ba, từ nhiều năm qua, bằng tài sản riêng của gia đình và rất nhiều công sức, anh Bình đã sưu tầm được hàng trăm tài liệu, vật dụng, xe cộ… nhằm góp phần xây dựng một Bảo tàng về Đội 5 BĐSG ngay tại căn hầm bí mật xưa để giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

50 năm đã qua đi từ ngày Tết Mậu Thân đầy bi hùng khi đó. Đến thăm căn hầm này nhiều lần, nhưng chúng tôi vẫn không thể lý giải được vì sao một mình ông Năm Lai có thể tự đào bới, đưa hàng chục mét khối  đất đá ra khỏi căn nhà, xây dựng hầm một cách bí mật trước sự soi mói của kẻ thù, rồi một mình lại đưa hàng tấn vũ khí về cất giấu an toàn. Phải chăng, chỉ có lòng yêu nước nồng nàn, một sự khéo léo, tinh thần tận tụy, hy sinh cao cả của người chiến sĩ BĐSG mới giúp ông hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc như thế?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn