MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thuế TNCN đang bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong bối cảnh bão giá hiện nay. Ảnh: NAM NGUYỄN

Biểu thuế thu nhập cá nhân bất cập, rườm rà

TRÍ MINH LDO | 13/08/2022 07:03
Từng có đề xuất giảm biểu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ 7 bậc xuống 5 bậc nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Luật Thuế TNCN sau một thời gian dài áp dụng đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế so với thời cuộc.

Quy định 7 bậc quá rườm rà

Một trong những bất cập lớn hiện nay của Luật Thuế TNCN là cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc quá rườm rà, gây khó hiểu cho người dân.

Theo đó, cách tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: (1) Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; (2) mức 5-10 triệu đồng 10%; (3) mức 10-18 triệu đồng 15%; (4) mức 18-32 triệu đồng 20%; (5) mức 32-52 triệu đồng 25%; (6) mức 52-80 triệu đồng 30% và (7) từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định biểu thuế TNCN lũy tiến với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao, đang trở thành một áp lực rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh "bão giá". 

Khi thu nhập vừa tăng lên, vật giá cũng tăng chóng mặt và đồng nghĩa rơi vào bậc thuế cao hơn.

Không những vậy, mức áp dụng 35% thuế suất đối với thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên được chỉ ra bất cập khi nhắm được vào đối tượng làm công ăn lương, trong khi nhiều cá nhân có những nguồn thu nhập "chìm" khác từ bất động sản hay tiền ảo... lại khó có thể kiểm soát.

Các chuyên gia Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính phân tích, việc quy định biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành chưa thực sự hợp lý, dẫn đến nhiều vướng mắc.

Theo đó, biểu thuế này nhiều hơn so với các nước trên thế giới, đồng thời mức độ giãn cách giữa các bậc thấp còn quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế, làm tăng số thuế phải nộp. 

Ngoài ra, mức thuế suất cao nhất 35% hiện nay là khá cao, làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao làm việc tại Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu quy định quá nhiều nhóm chịu thuế sẽ làm công tác quản lý phức tạp và tạo “kẽ hở” cho việc trốn thuế…

Theo các chuyên gia, hiện nay, các quốc gia trên thế giới có xu hướng cải cách thuế TNCN tập trung vào việc tăng thuế suất đối với thu nhập cao, giảm thuế suất đối với thu nhập trung bình và thấp nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; quy định rõ các khoản chịu thuế TNCN; quy định mức thuế khác nhau đối với thu nhập từ trúng thưởng; miễn, giảm thuế TNCN đối với cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thuộc lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, công nghệ cao.

Từng có đề xuất giảm còn 5 bậc

Liên quan đến biểu thuế, từ năm 2017, Bộ Tài chính cho biết, đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN.

Cụ thể bộ này đề xuất sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần giảm xuống còn 5 bậc và giãn khoảng cách giữa các bậc thuế.

Mức thuế suất là 5%, 10%, 20%, 28% và 35% tương ứng với phần thu nhập tính thuế hằng tháng là đến 10 triệu đồng, trên 10 đến 30 triệu đồng, trên 30 đến 50 triệu đồng, trên 50 đến 80 triệu đồng và trên 80 triệu đồng.

Ngoài ra, theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), mức giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế TNCN hiện nay cũng rất bất cập.

Kể từ tháng 7.2020, Luật Thuế TNCN quy định mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, con số này đến nay đã quá lạc hậu, không đủ để người dân đảm bảo cuộc sống.

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều cuộc phân tích, mổ xẻ cho rằng, Luật Thuế TNCN của Việt Nam cần được sửa đổi theo các định hướng lớn như: Mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế; Sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế.

Điều chỉnh số lượng thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối tượng nộp thuế; Cơ bản thống nhất mức thuế suất đối với thu nhập cùng loại hoạt động hoặc hoạt động tương tự đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân (doanh nghiệp); Điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp (giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống còn 5 bậc; quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp; điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn; xem xét các đối tượng và mức tiền lãi để đưa ra mức thuế suất phù hợp đối với thu nhập từ tiền gửi ngân hàng...).

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả, các chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần khuyến khích người dân tăng cường chi tiêu qua hệ thống ngân hàng nhằm kiểm soát tốt mức thu - chi của người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng về ý nghĩa, mục tiêu cũng như những nội dung liên quan đến các định hướng cải cách chính sách thuế TNCN; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, thu thuế TNCN; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, xây dựng đội ngũ cán bộ thuế, xây dựng được quy trình quản lý thuế đơn giản, hiệu quả cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn