MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bình Định: 24 tàu/ 184 lao động đang trong vùng nguy hiểm của bão số 12

Xuân Nhàn LDO | 03/11/2017 11:43
Nhóm tàu ngư dân trên chủ yếu thuộc huyện Hoài Nhơn, theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Bình Định tại buổi họp trực tuyến do UBND tỉnh triệu tập đột xuất sáng 3.11.

Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT – TKCN, Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Phan Trọng Hổ cho biết, đến 7 giờ cùng ngày, có 5.749 tàu/ 38.523 ngư dân hoạt động ven bờ đã vào neo đầu tại các điểm trú bão trong tỉnh; 633 tàu/ 5.438 ngư dân hoạt động trên vùng biển từ Hải Phòng đến Bà Rịa – Vũng Tàu.

Khu vực quần đảo Hoàng Sa có 7 tàu/ 42 ngư dân; vùng biển từ Hoàng Sa đến Trường Sa 65 tàu/ 496 ngư dân; vùng biển Trường Sa 3 tàu/ 36 ngư dân. Báo cáo của ông Hổ cũng nêu chi tiết danh sách (chưa đầy đủ) 24 tàu cá đang trong vùng nguy hiểm. Trừ 1 tàu của ngư dân Cát Khánh, huyện Phù Cát, 23 tàu còn lại đều thuộc các xã Hoài Thanh, Hoài Hương, Tam Quang Nam, Tam Quan Bắc của huyện Hoài Nhơn.

Hồi 3 giờ ngày 3.11, nhóm tàu cùng tổ đội BĐ 96993 TS, BĐ 96559 TS, BĐ 97924 TS đã lai dắt chiếc tàu bị nạn BĐ 96699 TS cùng 12 thuyền viên cập cảng Quy Nhơn an toàn. Tàu BĐ 96699 TS do ông Trần Chim (Tam Quan Nam, Hoài Nhơn) hôm 27.10 bị hỏng máy, thả trôi trong sóng gió cấp 5, cấp 6 khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa.

Theo thống kê ban đầu, mưa lũ mấy ngày qua đã làm 1 người chết, kè Suối Tem, làng T2, xã Bok Tới huyện Hoài Ân; đường liên xã Canh Liên, Canh Thuận, huyện Vân Canh sạt lở, thiệt hại ước khoảng 500 triệu đồng. Hàng chục lồng cá thả nuôi trên sông Kôn bị cuốn trôi. Một số thôn xã vùng trũng khu đông Tuy Phước ngập nước. Các trường THPT số 3 Tuy Phước, Tiểu học sổ 2 Phước Thắng phải cho học sinh nghỉ học. Hiện tại, nước các sông đang xuống chậm, ở mức dưới báo động I sau khi sông Kôn, sông Hà Thanh lên tới báo động II.

Tại cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu thành viên Ban chỉ huy PCTT - TKCN các cấp xuống ngay địa bàn được phân công để triển khai hoạt động ứng phó. Ông Dũng yêu cầu tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ, sát sao diễn biến bão lũ, báo cáo kịp về UBND tỉnh. Các cuộc họp, sinh hoạt không cần thiết bị đình hoãn.

Các ngành, các địa phương khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nnguy hiểm; tăng cường gia cố, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, nhất là đê biển, đê cửa sông và nhóm hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; chủ động vận hành hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt; vận động, tổ chức hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa, sẵn sàng triển khai phương án di dời, tranh thủ thu hoạch lúa mùa, thủy sản, bảo vệ lúa giống, cây trồng vật nuôi, đề phòng lũ mưa lũ cuối trôi... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn