MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lộ Diêu từng là một "điểm đến" nhiều kỳ vọng trong định hướng quy hoạch phát triển du lịch bắc Bình Định. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

Bình Định: Phát triển công nghiệp phải có đầu tàu dẫn dắt

Xuân Nhàn LDO | 13/04/2023 15:36

Đó là phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn sáng 13.4, tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội quý I/2023, khi chủ đề nhà máy thép Long Sơn Lộ Diêu trở thành câu chuyện đặc biệt sôi động.

Cần đầu tàu dẫn dắt công nghiệp địa phương

Ông Tuấn nêu quan điểm: "Theo định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tới 2030, tỉ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản sẽ giảm xuống dưới 10% GDP, dịch vụ trên 50%, công nghiệp - xây dựng trên 40%. 

Tại Bình Định hiện nay, nông, lâm, thủy sản đang chiếm 23,57%; công nghiệp - xây dựng 29,84%, dịch vụ 41,99%. Thúc đẩy phát triển công nghiệp, do vậy, là nhiệm vụ sống còn. Có người hỏi làm bây giờ là sớm hay muộn, câu trả lời của tôi là không sớm cũng không muộn. Đi sau có lợi thế của người đi sau; rút được kinh nghiệm thành công, thất bại từ người đi trước. Cơ hội tiếp cận xu hướng mới, công nghệ mới, đối tác mới tốt hơn. Phát triển công nghiệp, muốn nhanh, vững chắc, phải có đầu tàu dẫn dắt. Không nên quẩn quanh hoài với các dự án manh mún, nhỏ lẻ, vừa lãng phí tài nguyên, nhân lực, đóng góp ngân sách lại không nhiều.

Khu vực trung tâm Lộ Diêu hiện tại. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Sự cần thiết của một dự án lớn, khả dĩ làm động lực thúc đẩy công nghiệp phát triển là không bàn cãi. Nhưng lớn ra sao? Samsung chẳng hạn, họ chỉ chọn đầu tư vào những địa điểm gần trung tâm. Xa và nhiều yếu tố bất lợi như Bình Định, thật chẳng dễ dàng gì.

Chúng tôi ưu tiên phát triển kinh tế xanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, thu hút các dự án đổi mới sáng tạo. Hiện FPT đã vào. Còn cả đối tác nước ngoài nữa, đang thương thảo, chưa tiện công bố. Ở khu công nghiệp Becamex VSIP, có hơn 1.000ha hạ tầng đang được "trải thảm"...

Long Sơn Lộ Diêu là dự án lớn, phù hợp chủ trương thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp địa phương. Bình Định có đội tàu cá dẫn đầu cá nước, là thách thức thực sự với nỗ lực dịch chuyển trọng tâm từ đánh bắt thiếu kiểm soát sang tập trung nuôi trồng. Dự án là một thực thể hữu ích giúp hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho bà con ngư dân".

Trả lời hàng loạt câu hỏi về nguy cơ ô nhiễm, về lòng tin với nhà đầu tư vốn là một doanh nghiệp lạ lẫm trong ngành thép, về sự xung đột giữa 2 "trụ cột" du lịch và công nghiệp, về chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư... ông Tuấn nói:

Di tích lịch sử tàu không số trên bãi biển Lộ Diêu. Ảnh: Xuân Nhàn.

"Tác động môi trường chắc chắn sẽ có. Xây một ngôi nhà, đã tính tới ảnh hưởng môi trường. Vấn đề là cần có tiêu chí, quy trình kiểm soát. Cái này không phải tỉnh làm; tỉnh phê duyệt. Thẩm quyền ở các bộ và Chính phủ. Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định đánh giá tác động môi trường, Bộ Khoa học - Công nghệ thẩm định công nghệ... Rồi mới tới cấp thẩm quyền phê duyệt. Formosa là bài học quá lớn để tránh lặp lại sai lầm. Nói vậy để hình dung, dự án có thể thành hiện thực, có thể không. Giờ mới chỉ là bước đi ban đầu".

Tái khẳng định quan điểm không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, ông Tuấn cho hay dự án phù hợp quy hoạch phát triển địa phương: "Khi trình ra, chúng tôi quan tâm mấy việc sau: Công nghệ hiện đại; chỉ số môi trường đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam; người dân diện giải tỏa được đền bù, hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp đảm bảo cuộc sống mới tốt hơn; di tích lịch sử không bị xâm hại".

Không chờ đồng thuận 100%

Dự kiến có 563 hộ dân thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn phải di dời nhường mặt bằng cho dự án. "Tỉnh có kế hoạch xây dựng 3 khu tái định cư phù hợp đặc thù sinh kế từng nhóm cư dân: Nghề biển, nghề nông hay kinh doanh dịch vụ. Phương án đền bù được tính toán chi tiết đến từng cá thể, từng hộ dân, tránh cào bằng, sơ lược"- ông Tuấn thông báo.

Hơn 560 hộ dân phải rời đi, nhường mặt bằng cho dự án. Ảnh: Nguyên Ngọc.

Về viễn cảnh một điểm đến tiềm năng biến mất, ông Tuấn lập luận: "Bình Định có 134km bờ biển. Chỗ nào cũng đẹp, cũng cần đánh thức. Bãi Lộ Diêu dài khoảng 4km. Dư địa khai thác du lịch còn thênh thang. Lựa chọn thường khó khăn nhưng có thời điểm cần đưa ra quyết định!".

Ông Phạm Anh Tuấn: “Dự án không phải của cá nhân tôi". Ảnh: Xuân Nhàn.

Người đứng đầu chính quyền Bình Định giãi bày: "Dự án không phải của cá nhân tôi mà của tỉnh, của cả nước. Nó lớn và quan trọng đủ để chúng tôi không mạo hiểm đánh đổi sinh mệnh chính trị cho một quyết định dễ dãi. Còn đã làm, đã quyết tâm thay đổi thì khó tránh bàn ra tán vào. Không dự án nào đạt đồng thuận 100%. Phải vì lợi ích toàn cục".

Dự kiến, Khu liên hợp Gang thép Long Sơn Lộ Diêu được xây dựng trên diện tích 468ha, tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỷ đồng, chia thành 3 giai đoạn, công suất 5,4 triệu tấn/năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.

Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ cũng đang nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn trên diện tích 496,9ha mặt đất và mặt biển. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ Khu liên hợp Gang thép Long Sơn, hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai. Tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng.

(Nguồn: UBND tỉnh Bình Định)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn