MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngư dân Bình Định cứu máy móc từ con tàu bị hỏng do gió lốc. Ảnh: D.P

Bình Định tập trung khắc phục hậu quả thiên tai

Diễm Phúc LDO | 04/04/2022 07:00
Trận mưa cuối mùa kèm giông lốc ngày 31.3 đã làm cho nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Định chịu hậu quả nặng nề. Hàng chục tàu thuyền bị sóng đánh chìm, tan nát, hàng ngàn hecta lúa bị hư hỏng nặng. Tỉnh Bình Định chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Mất trắng chỉ trong 1 tiếng đồng hồ

Vào khoảng 8h30 ngày 31.3, tại khu vực biển xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) xuất hiện sóng to, gió lớn cùng lốc xoáy đã khiến cho 50 phương tiện khai thác thủy sản và phục vụ du lịch của 53 hộ dân bị đứt dây neo, chìm tàu.

Với vết thương ở chân chưa khỏi nhưng anh Nguyễn An Vinh (45 tuổi, thôn Lý Chánh), chủ tàu BĐ-0610TS vẫn cố gắng ra bãi biển nhìn con tàu của mình bị bị sóng biển đánh tan nát, trôi dạt vào bờ đang được người dân hỗ trợ cứu vớt máy móc còn sót lại. Dù một ngày đã trôi qua nhưng anh Vinh vẫn chưa hết ám ảnh bởi cảnh tượng giành giật chiếc tàu từ sóng, gió lốc.

“Nay tháng làm, trời im mà đâu ngờ được gió lốc vào bất ngờ vậy. Lúc đó thấy tàu bị sóng đánh tôi hoảng quá nhảy xuống cứu. Nhưng gió to sóng lớn quá, tàu giật ra đánh vào khiến chân bị thương. Tàu tôi mới mua được gần 3 tháng nay với giá gần 70 triệu, đi được vài chuyến biển thì gặp cảnh này”, anh Vinh ngậm ngùi.

Cũng theo ngư dân Nguyễn An Vinh, tài sản của gia đình trông chờ vào chiếc thuyền nhỏ, thiên tai cuốn đi hết. Bây giờ nhờ bà con mở ra lấy máy móc còn bỏ tàu, nếu sửa lại tốn nhiều tiền gia đình anh Vinh không đủ khả năng.

Nằm cách tàu của anh Vinh không xa, con tàu của 4 anh em ông Đoàn Thanh Hương (67 tuổi, xã Nhơn Lý) cũng bị sóng đánh tan nát. Ông Hương cho biết, gia cảnh của anh em ông đều khó khăn, vì thế, 4 anh em phải dành dụm gom góp với nhau mua 1 con tàu về cùng nhau đi đánh bắt cá. “Tàu mới mua đi đánh cá được vài năm thì gặp cảnh tượng này. Mất trắng thôi, giờ anh em tôi không biết phải làm thế nào”, ông Hương ngậm ngùi.

Không chỉ xã Nhơn Lý, mà nhiều tàu thuyền ở các xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn), xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) cũng bị hư hỏng nặng trong đợt mưa gió vừa qua.

Mưa lớn và gió lốc cũng khiến nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 sắp thu hoạch ở một số địa phương ở tỉnh Bình Định bị ngã đổ, ngập nước. Người dân gặt lúa chạy mưa nhưng vẫn không kịp.

Nâng cao cảnh giác phòng chống thiên tai

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, đây là hiện tượng thiên tai bất thường.

“Tại xã Nhơn Lý, bãi neo đậu tàu thuyền của ngư dân trước đến nay không hề xảy ra hiện tượng thiên tai khiến cho tàu thuyền ngư dân thiệt hại. Tuy nhiên, lần này, lốc xoáy nhấn chìm rất nhiều tàu thuyền của bà con”, ông Thanh cho hay.

Ngay khi sự việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã trực tiếp xuống kiểm tra hiện trường và có chỉ đạo ban đầu để hỗ trợ người dân khắc phục, ổn định cuộc sống. Xã Nhơn Lý cũng đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ ngư dân bị thiệt hại 2 triệu đồng.

UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cùng UBND TP.Quy Nhơn lên phương án trục vớt tàu thuyền bị chìm đắm; trích ngân sách tỉnh hỗ trợ mỗi hộ có tàu thuyền bị chìm, nhanh chóng tìm giải pháp và nguồn hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại; các sở ngành, lực lượng tập trung cứu lúa.

“Giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, công an và các đơn vị liên quan triển khai ngay phương án trục vớt. Thống nhất thuê những thợ lặn giỏi nhất của TP.Quy Nhơn lặn xuống để tìm kiếm”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng đề nghị các địa phương và các sở, ngành tiếp tục nâng cao cảnh giác, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai. Đồng thời, tập trung công tác khắc phục, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.

Dừng trục vớt thuyền của ngư dân Bình Định 

bị chìm do thời tiết xấu

Ngày 3.4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn - Ngô Hoàng Nam - cho biết: Việc trục vớt ghe, thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý và xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) phải tạm dừng vì thời tiết xấu. Sáng 3.4, toàn bộ công tác trục vớt ghe, thuyền của ngư dân 2 xã phải dừng lại khi vùng biển Quy Nhơn, Bình Định có gió mạnh, sóng lớn, trời mưa, nước biển đục.

Ông Ngô Hoàng Nam cho biết, nước biển quá lạnh và đục khiến thợ lặn không thể tiếp tục công việc nên phải tạm dừng chờ thời tiết ổn định trở lại.

Trong ngày 2.4, lực lượng của Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định cùng với bà con ngư dân địa phương đã trục vớt được 12 thuyền, 2 ca-nô của ngư dân xã Nhơn Lý và 1 thuyền, 1 bè của ngư dân xã Nhơn Hải bị chìm vào sáng ngày 31.3.

Ngày 1.4, ngư dân xã Nhơn Lý cùng lực lượng thanh niên, dân quân của xã đã trục vớt được 4 thuyền bị đánh vỡ tấp vào bờ biển. Như vậy, đến nay đã có 16 phương tiện trong số 55 phương tiện ghe, thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý bị chìm đã được trục vớt; 2/3 phương tiện của ngư dân xã Nhơn Hải bị chìm đã được trục vớt.Tr.X

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn