MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bình Định truy trách nhiệm địa phương chậm tiến độ GPMB cao tốc Bắc - Nam

Hoài Luân LDO | 24/11/2022 20:40

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc trong công tác bồi thường GPMB. Riêng TP Quy Nhơn, nếu tiến độ thực hiện dự án còn chậm trễ thì lãnh đạo thành phố phải chịu trách nhiệm.

Truy trách nhiệm địa phương để chậm tiến độ

Trước đó, ngày 21.11, tại UBND huyện Hoài Ân, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì buổi họp kiểm tra tình hình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tự Công Hoàng tỏ ra khá quyết liệt khi truy trách nhiệm lãnh đạo địa phương chậm giải ngân vốn bồi thường GPMB.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì buổi làm việc về tình hình bồi thường GPMB cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Hoài Luân

Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đề nghị Ban Chỉ đạo GPMB đường bộ cao tốc tỉnh họp định kỳ 10 ngày một lần để kiểm tra, rà soát tiến độ, kịp thời chỉ đạo, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Theo báo cáo của Sở GTVT Bình Định, đến ngày 20.11, có 8/8 địa phương đã chi trả 629,34 tỉ đồng, đạt 80,8% vốn đã cấp. Trong đó, có 7/9 đơn vị đạt giải ngân trên 70% như: Hoài Ân 58,8 tỉ đồng (100%), Phù Mỹ 37,388 tỉ đồng (100%), Tây Sơn 31,025 tỉ đồng (90%), Hoài Nhơn 381,6 tỉ đồng (89%), Phù Cát 16,13 tỉ đồng (88%), An Nhơn 75,35 tỉ đồng (78%), Tuy Phước 21 tỉ đồng (71%). Riêng TP.Quy Nhơn có tỷ lệ giải ngân thấp (31%) và Ban GPMB tỉnh chưa giải ngân.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong công tác bồi thường, GPMB. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số địa phương chậm giải ngân cũng như phê duyệt phương án bồi thường, GPMB.

Ông Hoàng yêu cầu các địa phương này phải nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Riêng TP Quy Nhơn, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn phải chịu trách nhiệm nếu tiến độ thực hiện dự án còn tiếp tục chậm trễ.

Ông Hoàng cũng đề nghị, các địa phương cần tập trung cao độ, chủ động tổ chức bàn giao mặt bằng đã được GPMB cho các chủ đầu tư. Hoàn thiện các bước hồ sơ, thủ tục để triển khai khởi công xây dựng các khu tái định cư, khu cải táng. Thời hạn ngày 30.11, các địa phương phê duyệt toàn bộ đất nông nghiệp; tổng rà soát diện tích đất rừng, đất lúa bị ảnh hưởng bởi dự án.

"Các địa phương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến ngày 30.11.2022 phải hoàn thành 100% việc xác nhận nguồn gốc đất đai của dự án; bàn giao 100% mặt bằng đối với đất nông nghiệp và chậm nhất đầu tháng 12.2022 phải tổ chức thực hiện công tác di dời toàn bộ hạ tầng kỹ thuật" - ông Hoàng nhấn mạnh.

Địa phương đầu tiên tổ chức bàn giao mặt bằng

Mới đây, Dự án Xây dựng công trình Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua thị xã Hoài Nhơn đã được địa phương này tổ chức Lễ bàn giao mặt bằng. Đây là địa phương có chiều dài dự án cao tốc đi qua lớn nhất trong số 8 địa phương của tỉnh và cũng là địa phương đầu tiên tổ chức bàn giao mặt bằng.

UBND Thị xã Hoài Nhơn bàn giao mặt bằng triển khai cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Hoài Luân

Thị xã Hoài Nhơn đã hoàn thành kiểm kê 3.621 hộ ảnh hưởng (đạt 100%); xác nhận nguồn gốc đất 3.280 hộ ảnh hưởng (đạt 90,58%), hoàn thiện, công khai phương án bồi thường 3.031 hộ ảnh hưởng (đạt 83,71%); đã phê duyệt phương án bồi thường 2.430 hộ (đạt 67,11%), với số tiền 470,26 tỉ đồng; đã chi trả tiền cho 1.645 hộ (đạt 45%), với số tiền 314,10 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn