MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bình Dương nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trước ngày 1.9. Ảnh: Đình Trọng

Bình Dương quyết giữ chặt và mở rộng vùng xanh để kiểm soát dịch trước 1.9

ĐÌNH TRỌNG LDO | 13/08/2021 15:29

Thực hiện Nghị quyết 86 của Chính Phủ, tỉnh Bình Dương đang nỗ lực triển khai các giải pháp để kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trước ngày 1.9.

Giữ chặt và mở rộng vùng xanh, từng bước xanh hóa vùng đỏ

Bình Dương - một trong những tỉnh sản xuất hàng hóa lớn nhất phía Nam đang bị dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế. Hàng ngàn nhà máy/xí nghiệp phải tạm dừng sản xuất, cả trăm nghìn lao động nghỉ việc ở nhà đang bắt đầu rơi vào cảnh khó khăn.

Theo ghi nhận, hiện chính quyền Bình Dương đang tập trung đẩy lùi dịch bệnh qua các giải pháp như nâng cao năng lực điều trị của các cơ sở y tế giảm tối đa số người tử vong do COVID-19. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc bắt F0 ra khỏi cộng đồng. Triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho người dân và công nhân lao động. Trong đó, chiến lược của Bình Dương là giữ chặt và mở rộng vùng xanh (vùng an toàn dịch bệnh), từng bước xanh hóa vùng đỏ (vùng nguy cơ dịch bệnh).

Bình Dương nỗ lực xanh hóa vùng đỏ. Trong hình là biển đánh dấu vùng xanh ở Thủ Dầu Một (địa phương được xác định vùng đỏ)

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, đến ngày 15.8 các huyện phía Bắc "vùng xanh" sẽ trở về trạng thái bình thường mới (có huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo). Tỉnh nỗ lực để đạt được mục tiêu sau 30.8 các địa phương "vùng đỏ" (là các đô thị công nghiệp lớn như: Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên) sẽ xanh hóa và trở lại trở lại trạng thái bình thường mới.

Vừa chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất

Về phát triển kinh tế, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, tỉnh không chờ qua dịch mới xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế mà vừa tập trung phòng dịch vừa từng bước thực hiện các phương án phục hồi kinh tế, khắc phục khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp.

Tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện các giải pháp dài hơi, như tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển, đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư công để sớm đưa dòng tiền vào lưu thông. Hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn.

Tiếp tục tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính không thật sự cần thiết, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp. Qua đó kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra trong thời gian xảy ra dịch bệnh.

Doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ“. Ảnh: Dương Bình

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp áp dụng tốt phương án "3 tại chỗ" bằng tiền mặt, nhân lực và vật lực, kinh nghiệm trong công tác xét nghiệm, sàng lọc, phòng, chống dịch bệnh cũng như điều trị cho các công nhân nhiễm bệnh. Nghiên cứu điều chỉnh phương án "1 cung đường, 2 địa điểm" theo hướng phù hợp hơn để khuyến khích áp dụng cho các doanh nghiệp không thể thực hiện phương án "3 tại chỗ".

Theo ông Võ Văn Minh, những tháng còn lại của năm 2021 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để đẩy lùi dịch bệnh phục hồi sản xuất.

Xem trọng an sinh xã hội

Một trong nhiệm vụ Bình Dương đang thực hiện song song với chống dịch và phục hồi sản xuất đó là các chính sách an sinh xã hội. Bình Dương đang cố gắng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải ngân chính sách hỗ trợ Nghị quyết 68. Bên cạnh đó có các chính sách riêng hỗ trợ lao động tự do (1,5 triệu đồng), hỗ trợ tiền thuê trọ (500.000 đồng/người), trao gạo, nhu yếu phẩm cho người khó khăn, giảm tiền nước...

Việc thực hiện các chính sách trên nhằm ổn định đời sống người lao động nhập cư, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời cũng là giải pháp để đảm bảo nguồn lao động cho doanh nghiệp sản xuất sau dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn