MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bình Dương liên tiếp phát hiện 2 vụ chôn lấp chất thải quy mô lớn. Ảnh: PV

Bình Dương: Siết chặt quản lý việc vận chuyển thu gom, xử lý chất thải

Đình Trọng LDO | 02/11/2022 12:53

Bình Dương là tỉnh phát triển sản xuất công nghiệp nên nguồn chất thải rất lớn. Vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện 2 vụ chôn lấp trái phép chất thải tiếp tục - một hồi chuông cảnh báo về việc quản lý môi trường ở tỉnh này. Cơ quan chức năng Bình Dương cho biết sắp tới, sẽ thực hiện nhiều biện pháp siết chặt quản lý trong vận chuyển thu gom, xử lý chất thải công nghiệp.

Liên tiếp phát hiện chôn lấp trái phép chất thải quy mô lớn

Cuối tháng 8.2022, dư luận Bình Dương xôn xao trước thông tin cơ quan chức năng phát hiện  vụ chôn chất thải trái phép quy mô lớn chưa từng thấy xảy ra ở xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Bãi chất thải thuộc thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh - có trụ sở chính ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xung quanh bãi chất thải có tường rào cao 2m, người ngoài rất khó phát hiện các hoạt động bên trong. 

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có khoảng 20 lao động và 10 xe tải loại lớn làm việc thường xuyên trong khu vực rộng khoảng 2ha, được chia thành 5 khu chôn lấp chất thải như xỉ than, thủy tinh, bao bì nhiễm dầu… Đáng nói, khu vực chôn lấp gần sông suối. 

Cơ quan chức năng xác định có 5 doanh nghiệp tại Bình Dương có chuyển giao chất thải cho Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh gồm: 2 công ty tại Bàu Bàng và 1 công ty tại Thuận An hoạt động ngành nghề gia công dệt, nhuộm các sản phẩm sợi tổng hợp, nhuộm vải; 1 công ty tại thị xã Bến Cát hoạt động với ngành nghề gia công các sản phẩm nhựa, giày dép; 1 công ty tại huyện Bắc Tân Uyên sản xuất cà phê. Như vậy, chất thải chủ yếu phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Theo đánh giá sơ bộ thì số chất thải chôn, lấp khoảng 25.000 tấn chất thải rắn công nghiệp. 

Tiếp đó, cũng tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo, ngày 13.9, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương tiếp tục phát hiện vụ chất thải bị chôn lấp một cơ sở sản muối. 

Qua đo đạc, tổng diện tích chứa chất thải là 933,1m2 gồm 9 điểm (3 điểm chôn chất thải và 6 đống chất thải lộ thiên), thể tích chất thải được xác định là 1.878m3 (1m3 chất thải được đổ, chôn lấp có khối lượng là 1.160kg). Tổng khối lượng chất thải đổ, chôn lấp tại cơ sở này là 2.178.480kg.

Nhiều khó khăn trong quản lý 

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho biết gặp nhiều khó khăn. Do Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, có gần 30 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp. Nguồn chất thải từ sản xuất là rất lớn và rất phức tạp. Phát sinh nhiều cơ sở thu gom, xử lý chất thải.  

Hiện tỉnh Bình Dương có 7 doanh nghiệp được cấp phép xử lý chất thải nguy hại, ngoài ra có 35 doanh nghiệp do cấp Bộ cấp phép xử lý chất thải nguy hại có hoạt động tại Bình Dương. Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng quản lý khá mỏng. Theo  Sở TNMT, Bình Dương lực lượng mỏng, với khối lượng công việc khổng lồ gây nhiều khó khăn trong quản lý. Trong khi đó, cơ sở pháp lý để quản lý trước đây cũng chưa đầy đủ. Trong vụ phát hiện chôn chất thải trái phép theo quy định ở Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh, giấy phép xử lý chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp thì Công ty này có phạm vi thu gom chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường trên địa bàn toàn vùng Đông Nam Bộ (có cả tỉnh Bình Dương). Sau đó phải được chuyển về Nhà máy xử lý tại tỉnh Trà Vinh để xử lý. Công ty không có bất cứ địa điểm tập kết hay kho trung chuyển chất thải nào trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Như vậy thẩm quyền cấp phép, quản lý thuộc cơ quan cấp Bộ và giám sát của tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên nguồn chất thải lại được thu gom từ Bình Dương. Khi doanh nghiệp thực hiện hành vi gian dối thì đã dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng.

Chủ nguồn thải phải giám sát việc xử lý

Theo quy định, các doanh nghiệp khi chuyển giao chất thải nguy hại phải có chứng từ. Doanh nghiệp có trách nhiệm giám sát chứng từ từ nơi phát sinh chuyển giao chất thải đến đơn vị xử lý, tái chế. Như vậy trách nhiệm giám sát chất thải có được vận chuyển đến nơi, xử lý đến chốn hay không là của doanh nghiệp và đơn vị xử lý. Theo đại diện Sở Tài TNMT Bình Dương thì đơn vị đã hướng dẫn rất kỹ cho các doanh nghiệp về quy định này. Đối với chất thải công nghiệp thông thường, khi chuyển giao chất thải, các bên phải có biên bản bàn giao. Đây là cơ sở để doanh nghiệp giám sát việc chất thải thông thường từ nơi phát sinh đến nơi xử lý tái chế. 

Sở TNMT Bình Dương cho biết sắp sẽ thực hiện hiện nhiều biện pháp siết chặt quản lý trong vận chuyển thu gom, xử lý chất thải công nghiệp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn