MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêu chết hàng loạt khiến người dân phá sản nhưng cơ quan chuyên môn khẳng định không đủ điều kiện để công bố dịch. Ảnh: Đình Trọng

Bình Phước: Vì sao hơn 1.000ha tiêu của một xã chết hàng loạt?

ĐÌNH TRỌNG LDO | 14/06/2020 11:35

Người dân cho rằng tiêu chết nhanh, chết hàng loạt với diện tích lên đến hơn 1.000ha là do dịch bệnh. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn tỉnh Bình Phước cho rằng không đủ cơ sở công bố dịch bệnh.

Sự việc tiêu chết nhanh, chết hàng loạt kéo dài trong hơn 2 năm xảy ra ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Ông Nguyễn Xuân Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bù Gia Mập cho biết, tổng diện tích hồ tiêu đến quý I.2020 là 1.856 ha, trước đó năm 2017 là 2.292ha. Việc tiêu chết xảy ra từ năm 2017 đến tháng 4.2019, diện tích tiêu bị chết toàn huyện là 1.256ha. Trong đó, riêng xã Đắk Ơ (có 1.540ha tiêu năm 2017), diện tích tiêu chết lên đến 1.017ha (chiếm 80% toàn huyện), đến niên vụ 2019-2020 còn 664,7ha.

Về nguyên nhân tiêu chết, người dân cho rằng do dịch bệnh và kinh nghiệm trồng chăm sóc truyền thống không hiệu quả trong việc chữa bệnh cho cây tiêu. Theo người dân, thời điểm đó, chính quyền địa phương đã chậm trễ trong việc hỗ trợ kỹ thuật cho dân cũng như công bố dịch để kịp thời ngăn chặn tiêu chết trên diện rộng.

Tiêu chết 1.000ha ở 1 xã chỉ trong hơn 2 năm. Ảnh: Đình Trọng

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, bà  Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước cho biết, từ tháng 6.2019, cơ quan chuyên môn của Sở và Cục Bảo vệ Thực vật đã khảo sát và xác định việc tiêu chết do nhiều nguyên nhân như chết nhanh chết chậm, trồng trên đất chưa phù hợp, hom giống không đạt yêu cầu, ngập úng, hạn hán, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Về việc công bố dịch bệnh, theo Nghị định 116/2014/NĐ-CP thì tình hình dịch bệnh cây tiêu trên địa bàn tỉnh và huyện Bù Gia Mập chưa đủ điều kiện để công bố dịch.

Về việc hàng trăm hộ dân đầu tư trồng tiêu gần như lâm vào tình trạng "phá sản", hiện các Sở, ngành tỉnh Bình Phước đang bàn bạc với ngân hàng, doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ hài hòa giúp người dân vượt qua khó khăn.

Hàng trăm hộ dân kiệt quệ vì tiêu chết. Ảnh: Đình Trọng
Nhiều vườn tiêu bị bỏ hoang. Ảnh: Đình Trọng
Hết tiền đầu tư, người dân dỡ trụ trồng tiêu làm chuồng thả heo. Ảnh: Đình Trọng
Tiêu chết, nhiều hộ dân phải chuyển đổi trồng cây ngắn ngày để có thu nhập trang trải. Ảnh: Đình Trọng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn