MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng. Ảnh: P.V

Bịt “lỗ hổng” trong xét duyệt công nhận thương binh

HOA LÊ LDO | 06/08/2018 06:55
Khai man, giả mạo giấy tờ trong việc làm hồ sơ thương binh không phải là hiện tượng mới. Gần đây, vấn đề làm giả hồ sơ thương binh lại “nóng” khi 569 hồ sơ thương binh giả ở Nghệ An bị phanh phui.

“Vướng” khi truy thu tiền thương binh hưởng sai

Mới đây, thực hiện kết luận của Thanh tra Bộ LĐTBXH về việc xác lập hồ sơ thương binh, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có thông báo đình chỉ 569 đối tượng hưởng sai chế độ thương binh từ ngày 1.8. Về việc này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng khẳng định, Bộ và UBND tỉnh Nghệ An sẽ làm quyết liệt, minh bạch, sai đâu khắc phục và xử lý thu hồi đến đó.

Bên cạnh đó, tổ chức phân loại đối tượng bao gồm: Những đối tượng có điều kiện và khả năng thu hồi số tiền hưởng sai; những đối tượng đã từ trần; những đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo; những đối tượng thuộc diện hộ nghèo gặp khó khăn trong cuộc sống. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện thu hồi số tiền đã hưởng sai theo quy định của pháp luật.

Trao đổi về vấn đề khả năng thu hồi số tiền của những người hưởng sai, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: Việc truy thu tài sản ở Nghệ An chúng tôi sẽ trình Chính phủ. Về nguyên tắc, hưởng sai là phải thu hồi ngay chứ không có quy định vào khoảng thời gian nào. Vì khi ra quyết định xử lý thu hồi, những người làm hồ sơ thương binh giả phải chấp hành luôn từ khi quyết định có hiệu lực.

“Tuy nhiên, việc thu lại tiền trục lợi cũng không phải là vấn đề đơn giản đối với các cơ quan. Vì phải xem xét đối tượng trục lợi chính sách có rơi vào những đối tượng 3 nghèo: Hộ nghèo, cận nghèo, bệnh hiểm nghèo hay không. Ở đây, những trường hợp này đang trong hoàn cảnh cực kỳ khó, nhưng không có nghĩa là mình xóa cho họ” - ông Dũng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: “Nợ này là của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân. Họ đang trục lợi từ tiền thuế của nhân dân thuế nộp vào ngân sách và ngân sách lấy ra chi, thì rõ ràng họ hưởng trên mồ hôi, nước mắt của người khác”.

Có sự tiếp tay của cán bộ chính sách?

Chia sẻ về những chiêu thức làm giả hồ sơ thương binh, ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) - cho rằng, việc làm giả hồ sơ thương binh có thể là giả mạo toàn bộ giấy tờ, khai man một phần giấy tờ hoặc có sự tiếp tay của cán bộ chính sách. Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng, qua những vụ việc làm hồ sơ thương binh giả bị phát hiện trong thời gian qua cho thấy quy định pháp luật về việc làm hồ sơ thương binh còn nhiều kẽ hở. Ví dụ như giải quyết một trường hợp xác định thương binh cần 2 người làm chứng. Nhưng thực tế không ít người họ lợi dụng điều này để “nhờ vả” 2 người làm chứng cho mình để trục lợi chính sách. Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng đã điều chỉnh vấn đề này. Sắp tới, bộ cũng sẽ báo cáo Chính phủ đối với những đối tượng hưởng sai chính sách trên toàn quốc. Từ đó, sẽ có quy trình cụ thể và sẽ xin quan điểm chung của Chính phủ về việc xử lý các trường hợp trên.

Trước những quy định luật pháp chưa chặt chẽ trong việc xét hồ sơ thương binh, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, trong thời gian tới Bộ LĐTBXH đề xuất Trung ương điều chỉnh toàn bộ Pháp lệnh Ưu đãi người có công theo hướng khắc phục những khiếm khuyết, bất cập đang còn tồn tại. Bên cạnh đó, hiện nay, chế tài xử lý đối với những người trục lợi chính sách chưa cụ thể. Vì vậy, tới đây là phải xử lý trách nhiệm, mức độ đến đâu xử lý đến đó.

Phát hiện hồ sơ thương binh giả, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng - nêu rõ: Trách nhiệm trước hết những cơ quan nào được giao về đề xuất các thủ tục hồ sơ thương binh, trong đó có nhiều cơ quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngành lao động và các cấp chính quyền. Ai làm sai thì người đó phải chịu. Ví dụ, những đối tượng thuộc về ngành lao động đảm nhận mà đề xuất không đúng thì trách nhiệm là của ngành lao động”.

Ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng: “Giấy tờ xác nhận thương binh rất dễ bị làm giả. Trong khi đó, người duyệt hồ sơ không làm hết trách nhiệm kiểm tra kỹ lưỡng dẫn tới việc xét hồ sơ thương binh sai. Đó là chưa kể việc cán bộ nhận hối lộ cố tình làm sai hồ sơ này thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”. HOA LÊ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn