MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa của đan

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ: Xóa hình thức, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc cho công chức

Phạm Đông LDO | 02/06/2021 08:31
Bộ Nội vụ vừa có báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Trước đề xuất này, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, để loại bỏ yêu cầu công chức, viên chức phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, các cơ quan phải xây dựng tiêu chí, yêu cầu cụ thể về trình độ, năng lực ngoại ngữ, tin học sát với từng vị trí, việc làm của công chức, viên chức.

Đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Mới đây, Bộ Nội vụ đã có báo cáo số 2499/BNV-CCVC ngày 28.5 về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức. Qua rà soát các quy định và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ nhận thấy, công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức còn một số hạn chế, tồn tại. Bộ đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Theo đề nghị này, sẽ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức. Cùng với đó, Bộ Nội vụ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Tránh lãng phí thời gian, tiền bạc

Trao đổi Lao Động ngày 1.6, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, đây là vấn đề đã được đưa ra bàn luận nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội. Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức sẽ tạo thuận lợi cho công chức, viên chức. Tuy nhiên, khi xét tuyển hay xét nâng ngạch vẫn đòi hỏi họ có trình độ chuyên môn về tin học và ngoại ngữ với từng đối tượng và vị trí việc làm. Chúng ta phải hiểu rằng chỉ đề xuất bỏ chứng chỉ chứ không bỏ vấn đề chuyên môn của 2 lĩnh vực đó.

“Đề xuất bỏ này sẽ giúp công chức, viên chức không mất thời gian nhiều để đầu tư cho việc học hành, tiết kiệm tiền của. Tuy nhiên bỏ quy định này không có nghĩa là không cần ngoại ngữ, tin học nữa. Đây là quy định về năng lực. Thủ tướng đã có quyết định về chương trình đào tạo ngoại ngữ quốc gia, chương trình đào tạo ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tùy yêu cầu vị trí việc làm, cơ quan sử dụng trong thực tế vẫn phải có quy định” - ông Dĩnh nhấn mạnh.

Theo ông Dĩnh, khi tuyển dụng vẫn phải yêu cầu đảm bảo về mặt kiến thức, kỹ năng về tin học, ngoại ngữ. Xã hội đang ở thời đại 4.0, do đó càng yêu cầu cao hơn về việc sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Cần xây dựng quy định cụ thể với hoạt động tuyển dụng đối với thế hệ trẻ mới vào nghề là cần có ngoại ngữ, tin học, nhưng điều quan trọng ở đây là có trình độ ngoại ngữ, tin học thật sự, chứ không phải là chứng chỉ theo kiểu hình thức.

Cùng nói về vấn đề này, TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, từ trước đến nay, các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hầu như đang được dùng làm điều kiện để thi tuyển, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức. Trên thực tế không phải vị trí việc làm nào cũng yêu cầu sử dụng năng lực ngoại ngữ, tin học. Nếu công việc buộc phải dùng thì sẽ có tiêu chí để thi tuyển, tuyển dụng chứ không quy định ra chứng chỉ.

Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Theo ông Phúc, việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức, viên chức sẽ giúp không để lãng phí nguồn lực xã hội. Chúng ta đang hướng tới việc bỏ những quy định mang tính hình thức, thủ tục và gây tốn kém cho cán bộ công chức, viên chức. Với những người ở vùng cao, vùng sâu vùng xa không phải lúc nào cũng dùng đến chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Ngược lại, nếu tính chất công việc yêu cầu phải có thì họ sẽ tự học tập để có năng lực.

Ông Phúc cho rằng, thực tế chương trình học tập của các cấp học đã giúp học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức về ngoại ngữ, tin học. Chính vì vậy, việc cho phép sử dụng bằng tốt nghiệp chuyên môn, trong đó có đào tạo liên quan liên quan đến ngoại ngữ, tin học để thay thế cho các loại chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học là hoàn toàn hợp lý. Quy định như vậy vừa giản lược thủ tục hành chính; vừa tránh lãng phí về thời gian, công sức, tiền của cho công chức, viên chức.

Theo ông Phúc, tin học và ngoại ngữ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhưng không nên quy định một cách cứng nhắc. Những quy định mang tính pháp quy phải thật sự đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn