MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội là đơn vị nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước công dân từ ngày 31.12.2020. Ảnh: V.Dũng

Bộ Công an hướng dẫn cách dùng giấy tờ thay căn cước công dân

Việt Dũng LDO | 03/10/2021 14:43

Lý giải việc chậm trả căn cước công dân gắn chip, trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay, có nguyên nhân khách quan, song người dân có thể sử dụng văn bản thông báo số định danh cá nhân của cơ quan công an.

Như Lao Động đưa tin, tính đến cuối tháng 9, công an các địa phương trong cả nước đã trả được 45 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, C06, Bộ Công an cũng thông tin hiện đã thu nhận hơn 58 triệu hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước công dân gắn chip.

Tuy nhiên, hiện việc còn nhiều người chưa nhận được thẻ căn cước công dân gắn chip, đã ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch dân sự.

Chị Hồng, làm việc trong ngành viễn thông, trú ở quận Hà Đông, Hà Nội cho Lao Động biết, gia đình chị có nhiều thành viên cùng làm căn cước công dân đến nay đã nhiều tháng, song chưa được trả. Chị có liên hệ với cảnh sát khu vực song đều được hẹn lại.

Trường hợp của chị Hồng còn may mắn vì vẫn còn chứng minh nhân dân và căn cước công dân cũ. Nhiều người phản ánh tới Lao Động không có cả chứng minh nhân dân, căn cước cũ trong khi căn cước công dân gắn chip chưa nhận được. Họ đã gặp khó khăn trong một số giao dịch hành chính.

Theo Điều 25 Luật Căn cước công dân, trường hợp cấp mới, cấp đổi thì cơ quan quản lý sẽ trả căn cước cho công dân trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc với trường hợp ở thành phố, thị xã; không quá 20 ngày làm việc tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo; không quá 15 ngày làm việc với các khu vực còn lại.

Người dân có hai cách để nhận căn cước công dân gắn chip là nhận trực tiếp tại nơi làm thủ tục hoặc là nhận qua bưu điện.

Lý giải việc chậm trả căn cước công dân, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết, dịch COVID-19 tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử.

Việt Nam phải nhập khẩu chip để gắn trên thẻ căn cước công dân nên khi các nước rơi vào khủng hoảng là nguyên nhân khách quan tác động lớn đến tiến độ sản xuất thẻ.

Ông Xô cho biết thêm, để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân, C06 đã ban hành mẫu thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo thông tư 59, người dân có nhu cầu sử dụng mà chưa được phát thẻ căn cước, có thể đề nghị công an cấp xã, nơi đăng ký thường trú, cấp văn bản thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người dân sử dụng thông báo này để chứng minh nội dung thông tin của mình.

Ông Xô cho hay, văn bản thông báo có xác định số căn cước, số định danh và trên đó cũng có sẵn QR Code giống như trên thẻ căn cước cấp cho chính công dân đó.

Một lãnh đạo Công an Hà Nội cũng cho hay, trong thời gian chưa có thẻ căn cước gắn chip, công dân có thể sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân mẫu cũ để giao dịch bình thường.

Trường hợp thẻ cũ đã hết hạn hoặc mất, hỏng thì công dân có thể sử dụng một số loại giấy tờ thay thế để chứng minh nhân thân như: Giấy khai sinh; Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu; Xác nhận thông tin về cư trú của Công an xã, phương, thị trấn...

Với 45 triệu thẻ căn cước công dân đã được cấp, Bộ Công an đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và trả thẻ cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn