MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng muốn đẩy mạnh phát triển đường thủy để giảm tải cho đường bộ. Ảnh: Chí Hùng

Bộ GTVT đặt mục tiêu nâng thị phần vận tải đường thủy lên ít nhất 50%

MINH QUÂN LDO | 22/03/2024 19:53

TPHCM - Trước việc đường bộ thống lĩnh với tỉ trọng vận tải hàng hóa chiếm gần 80%, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đặt mục tiêu nâng tỉ trọng vận tải hàng hóa bằng đường biển, đường thủy nội địa lên ít nhất 50% trong thời gian tới.

Đường thủy có thế mạnh nhưng lép vế trước đường bộ

Mục tiêu trên được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đưa ra tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải, đường thủy nội địa do Bộ GTVT tổ chức chiều 22.3 ở TPHCM.

Theo Bộ trưởng GTVT, Việt Nam có thế mạnh trời cho về chiều dài bờ biển, gắn với rất nhiều cảng biển lớn, đa dạng trải từ đầu đến cuối đất nước.

Hệ thống đường thủy nội địa cũng trải dài ở cả 3 miền, song những thế mạnh này vẫn chưa được khai thác hiệu quả, thị phần vận tải hiện nay rất đáng quan ngại.

Đường bộ vẫn thống lĩnh với tỉ trọng vận tải hành khách gần như chiếm tuyệt đối, vận tải hàng hóa chiếm tới gần 80%. Các hãng tàu nước ngoài chiếm tới trên 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.

"Với tất cả những lợi thế chúng ta đang có, ngành giao thông mong muốn thời gian tới phải nâng thị phần vận tải hàng hóa trong nước bằng vận tải đường biển ven bờ và đường thủy nội địa chiếm tỉ trọng lớn nhất, tối thiểu chiếm tới 50% càng nhanh càng tốt” - ông Nguyễn Văn Thắng nói.

Cảng Cát Lái TPHCM là cảng nhộn nhịp hàng hóa nhất cả nước. Ảnh: Anh Tú

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nếu nâng được tỉ trọng hàng hóa bằng đường biển, đường thủy nội địa sẽ có cơ hội giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics, tiết kiệm tối đa chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Quan trọng nhất là đường thủy "chia lửa" với đường bộ sẽ giảm được số người chết và bị thương do tai nạn giao thông.

“Bộ GTVT sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp và ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển vận tải đường biển, đường thủy nội địa để chia sẻ thị phần vận tải đường bộ và đường sắt, đặc biệt trên hành lang vận tải Bắc - Nam” - ông Nguyễn Văn Thắng nói

Cần chính sách hỗ trợ phát triển đội tàu container

Theo ông Vũ Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An, dù có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới, nhưng thực tế đáng buồn là Việt Nam chỉ có 48 tàu container trong số 1.015 tàu vận tải thủy.

Để duy trì phát triển đội tàu Việt Nam, ông Hải cho rằng, các đơn vị cần có thêm nhiều đội tàu mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn, trong đó ưu tiên phát triển tàu có tải trọng từ 1.700 Teu (1 Teu tương đương với 1 container 20 feet).

Tuy nhiên, khó khăn trong phát triển đội tàu của doanh nghiệp hiện nay là chi phí đầu tư tàu quá lớn, nhất là tàu container. Lãi suất vay tại các ngân hàng tương đối cao và chi phí VAT nhập khẩu tàu là 10%.

Ông Vũ Thanh Hải đề xuất, cần có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container như miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container, miễn thuế nhà thầu cho doanh nghiệp khi thực hiện việc thuê hoặc thuê mua container,…

Theo ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, hiện đa số công ty tư nhân chỉ có số lượng 2-3 sà lan, manh mún, không đủ cạnh tranh. Do đó, Nhà nước cần ưu tiên tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu.

“Hiện mức vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng mới được hưởng ưu đãi là quá cao, chưa phù hợp. Bởi thực tế cảng đường thủy nội địa đón tàu đến 20.000 tấn, tàu có giá trị đầu tư chỉ 300 - 400 tỉ đồng là cao nhất” - ông Liêm nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cục, vụ, Sở GTVT các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh các loại hình vận tải và vận tải đa phương thức.

Bộ trưởng GTVT cũng chỉ đạo rà soát các quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện bảo đảm tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông, đặc biệt là kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.

Trong đó, ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, qua đó giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics.

Ưu tiên phát triển các cảng cửa ngõ quốc tế, phục vụ chung cho khu vực, có tính lan tỏa để đón đầu xu hướng phát triển trong nước và thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn