MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe máy bủa vây khu vực cổng Công viên Cầu Giấy, người dân chỉ còn một lối nhỏ để lách vào. Ảnh: Phạm Đông

Bỏ hàng rào công viên ở Hà Nội: Lợi ích công cộng lớn hơn tiền vé vào cửa

Phạm Đông LDO | 02/05/2022 11:48

Nhiều ý kiến cho rằng, các công viên nên chuyển từ "đóng" sang "mở" với việc dỡ bỏ hàng rào, không thu phí vào cửa. Bởi mục đích của công viên là phục vụ nhân dân, không phải nhóm lợi ích nên cần lựa chọn giải pháp nào tốt cho dân.

Không gian bị cô lập 

Hầu hết công viên lớn tại Hà Nội đều có tường rào bao quanh như: Thống Nhất, Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Hoà Bình… Bên cạnh mục đích bảo vệ, hàng rào nhằm hạn chế người dân tiếp cận tự do vào công viên, thuận tiện cho hoạt động thu phí vào cửa và giữ xe.

Lâu nay, nhiều người đang hiểu, công viên là của nhà nước, thuộc nhà nước quản lý. Tuy nhiên, về bản chất, công viên được quy hoạch, xây dựng cho mọi người dân được hưởng thụ, với sự bình đẳng tuyệt đối.

Không gian xanh trong công viên để phục vụ người dân.

Theo KTS Phạm Anh Tuấn, giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội, cải tạo công viên theo hướng mở là cần thiết. Đặc thù công viên có nhiều hướng tiếp cận nên điều quan trọng nhất là bố trí các bãi đỗ xe ngăn nắp, hợp lý để người dân ra vào được thuận lợi nhất; xây dựng thêm nhiều khu vui chơi cho trẻ em, khu thể dục thể thao.

Trước lo ngại về việc phá bỏ hàng rào có thể dẫn tới mất an ninh và vệ sinh môi trường, KTS Phạm Anh Tuấn cho rằng xã hội đã phát triển, ý thức người dân được nâng cao nên có thể kiểm soát an ninh trật tự, vệ sinh môi trường bằng công nghệ. Không cần quá lo lắng việc công viên không còn hàng rào.

Hàng rào cao khiến công viên bị cô lập.

Với lý do để phòng chống tệ nạn xã hội và bảo vệ cây xanh, hàng rào bao quanh công viên đã tồn tại hàng chục năm nay. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều bạn đọc với Báo Lao Động ở các bài viết trước, việc lập hàng rào chủ yếu là để thu phí người vào chơi công viên. Trên thực tế, đang xuất hiện nghịch lý "thu phí quần dài", "miễn phí quần đùi", tức là chỉ thu phí của những người ăn mặc chỉn chu, trong khi người mặc quần áo thể thao thì gần như vào cửa tự do.

Hơn nữa, hàng rào công viên lâu nay vô hình trung khiến không gian công cộng bị cô lập, và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi vào chơi công viên buổi tối. Từ chỗ hàng rào được dựng lên với lý do "đảm bảo an ninh", thực chất lại trở thành nơi ẩn náu của các thành phần nghiện hút, tệ nạn xã hội như báo chí lâu nay phản ánh...

Cổng duy nhất của Công viên Cầu Giấy được mở.

Bỏ hàng rào, dừng thu phí mang lại nhiều lợi ích cho người dân

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiến tới dỡ bỏ hàng rào ở công viên lớn nhất Thủ đô - Thống Nhất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc dỡ bỏ này cần nhân rộng ở các công viên cây xanh khác để người dân dễ dàng tiếp cận không gian công cộng. Đó cũng là lợi ích lớn nhất của công viên trong bối cảnh Hà Nội quá chật chội và "khủng hoảng" khu vui chơi, sinh hoạt- kết nối cộng đồng.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - dẫn chứng: Ở các nước trên thế giới, công viên không có tường rào, chỉ những công viên nuôi thú mới cần tường rào. Bản chất công viên là không gian công cộng để mọi người dễ tiếp cận. 

Tuy nhiên, theo ông Tùng, từ "mở" ở đây rất nhiều nghĩa, không có tường rào không có nghĩa là người dân cứ leo trèo vào như đất hoang. Cần phải cải tạo để công viên trở nên thân thiện hơn, điểm đến an toàn, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như một ngôi nhà chung. Vậy nên phải hướng công viên thành không gian sáng tạo. Bên trong công viên có nhiều cây quý, tượng cũng cần được vinh danh, làm sao để người dân dễ nhìn thấy nhất.

Ông Trần Thiện Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công viên, Cây xanh Việt Nam, nhìn nhận việc xóa bỏ hàng rào công viên mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, dù đơn vị quản lý sẽ vất vả hơn.

Sau khi bỏ hàng rào, một số khó khăn phát sinh như quản lý, bảo vệ các tài sản trong công viên (cây cối, khu vui chơi...). Ban quản lý công viên cần phối hợp chặt chẽ với công an địa phương để phát hiện, giải quyết.

Về việc thu phí công viên, ông cho rằng vài nghìn đồng tiền vé thực chất không phải con số lớn để trang trải cho việc duy trì vận hành. Tùy vào từng địa phương và tính chất từng công viên, chính quyền nên chọn cách làm phù hợp.

"Cần nhớ nguyên tắc mục đích của công viên là phục vụ nhân dân, không phải nhóm lợi ích nên cần lựa chọn giải pháp nào tốt cho dân", ông Hà nêu quan điểm.

Người dân xếp hàng lách qua khe cổng của Công viên Cầu Giấy.

Ông Trần Anh Tú - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất - cho biết: Công viên trực thuộc UBND thành phố quản lý, đã đưa vào kế hoạch nâng cấp ở mức độ 1. Về việc xây dựng Công viên Thống Nhất theo hướng mở, hiện nay Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thành phố được giao nghiên cứu triển khai và làm chủ đầu tư. Sau này khi được thực hiện xong công ty mới tiếp nhận và khai thác.

"Chúng tôi ủng hộ phương án xây dựng mở và không thu vé người dân vào công viên, hàng rào nên dỡ bỏ, mở không gian để mọi người dễ tiếp cận", ông Tú chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng khái niệm "công viên mở" cần được hiểu theo nghĩa rộng. Để vào công viên thì người dân vẫn phải tiếp cận lối cổng và các vị trí đường giao thông nội bộ của công viên chứ không thể giẫm đạp lên các thảm cỏ, qua vườn hoa. Khái niệm công viên mở có thể là mở về không gian, còn với hàng rào có thể hạ thấp xuống để tăng không gian rộng thoáng cho công viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn