MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo Bộ Nội vụ, Nghị định 138 quy định tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện quy trình bổ nhiệm. Ảnh minh họa: Phạm Đông

Bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo từ nguồn nhân sự tại chỗ

LƯƠNG HẠNH LDO | 06/09/2024 10:51

Bộ Nội vụ giải đáp thắc mắc bạn đọc về việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý là nguồn nhân sự tại chỗ.

Bà Nguyễn Phương Thúy (Thái Nguyên) tìm hiểu trường hợp Nghị quyết của Đảng ủy Sở đồng ý chủ trương bổ nhiệm chức danh Phó phòng A của 1 đơn vị trực thuộc Sở và chủ trương nguồn nhân sự tại chỗ.

Đơn vị trực thuộc này có 2 phòng A và B, cá nhân được đề xuất bổ nhiệm vị trí Phó phòng A hiện đang là Chuyên viên phòng B. Đơn vị trực thuộc thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định tại Khoản 3 Điều 46 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27.11.2020 của Chính phủ với lý do thuộc 2 phòng khác nhau.

"Vậy trường hợp này thực hiện theo căn cứ trên có đúng không?" - bà Thúy thắc mắc.

Liên quan đến phản ánh, kiến nghị của bà Nguyễn Phương Thúy, Bộ Nội vụ đã có ý kiến phản hồi.

Theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP thì tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện quy trình bổ nhiệm. Việc xác định nguồn tại chỗ hay nguồn từ bên ngoài thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06 của Chính phủ về kiểm định chất lượng đầu vào công chức đã được Bộ Nội vụ trình Chính phủ.

Liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, dự thảo quy định người trong diện được bổ nhiệm phải có đủ văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu, được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc tương đương trở lên; có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 2 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn.

Về tuổi bổ nhiệm, công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu phải đủ tuổi công tác trọn thời hạn bổ nhiệm. Với công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm.

Ngoài ra, người trong diện bổ nhiệm không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ, không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Về trình tự, sau khi đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm xin chủ trương bằng văn bản, trong thời hạn 10 ngày, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày làm việc phải hoàn thành việc thực hiện quy trình nhân sự theo quy định.

Đối với quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ, dự thảo cũng đưa ra quy trình 5 bước và các hội nghị chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt. Tỉ lệ phiếu được tính trên tổng số người triệu tập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn