MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bộ Nội vụ hồi đáp phản ánh luân chuyển công chức cấp xã gây khó cho cơ sở

Lam Duy LDO | 29/11/2023 11:40

Ở các lĩnh vực đặc thù như đất đai, cử tri cho rằng việc luân chuyển cán bộ, công chức sang vị trí mới đang gây lãng phí và khó khăn cho cơ sở.

Theo tìm hiểu của Lao Động ngày 29.11, Bộ Nội vụ vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến vấn đề luân chuyển cán bộ, công chức cấp xã.

Trong kiến nghị gửi đến Bộ Nội vụ do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, cử tri tỉnh Nam Định cho hay, hiện nay, việc thực hiện luân chuyển cán bộ, công chức cấp xã còn có nhiều bất cập nhất là đối với các lĩnh vực đặc thù như đất đai, lao động - thương binh và xã hội... đòi hỏi người được luân chuyển phải đáp ứng được chuyên môn và có sự am hiểu nhất định về địa bàn.

Chính vì vậy khi luân chuyển sang vị trí mới, cán bộ, công chức phải mất nhiều thời gian để nắm bắt công việc nhưng khi đã thành thạo lại phải thực hiện luân chuyển gây lãng phí và khó khăn cho cơ sở.

"Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cơ chế, chính sách về luân chuyển đối với cán bộ, công chức tại cấp xã cho phù hợp” - cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị.

Cán bộ, công chức xã Vĩnh Ngọc tại buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Hanoi.gov.vn

Về nội dung này, trong văn bản trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Bộ Nội vụ cho hay, việc luân chuyển cán bộ theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28.4.2022 của Bộ Chính trị nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát huy toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín.

Mặt khác, việc luân chuyển cán bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) cũng quy định về vị trí công tác (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

Đồng thời quy định nguyên tắc việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đến ngày 1.7.2019, Chính phủ ban hành Nghị định 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó quy định cụ thể danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi và giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương.

"Như vậy, chính sách luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác (trong đó có cán bộ, công chức cấp xã) thực hiện theo quy định của Đảng, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành" - Bộ Nội vụ khẳng định.

Tuy nhiên trong văn bản trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Bộ Nội vụ cho biết sẽ phản ánh kiến nghị của cử tri khi các cơ quan có thẩm quyền có chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên cho phù hợp.

Cách đây ít ngày trên nghị trường Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đến nay các cấp, các ngành tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn