MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều thủ tục hành chính ăn theo sổ hộ khẩu sẽ được điều chỉnh vào năm 2020. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Bỏ sổ hộ khẩu chứ không bỏ quản lý cư dân

CAO NGUYÊN LDO | 08/11/2017 06:05
“Chắc chắn tới năm 2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, khi đó Bộ Công an đề xuất chuyển từ quản lý hộ khẩu bằng giấy tờ sang quản lý bằng công nghệ số hóa.

Việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp căn cước công dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân” - Thiếu tướng Lương Tam Quang - Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an - khẳng định như vậy tại buổi họp báo sáng 7.11. 

Theo thiếu tướng Lương Tam Quang, tới ngày 1.1.2020, sẽ cấp căn cước công dân trong toàn quốc, nếu người dân nào không muốn chuyển đổi sang căn cước thì vẫn được quyền sử dụng CMND đến khi hết hạn.

Về sổ hộ khẩu, đến hết năm 2020, sau khi Bộ Công an hoàn thành hệ thống dữ liệu công dân, thì khi các bộ, ngành có giao dịch gì thì chỉ cần vào lấy thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không gây phiền hà cho người dân.

Quản lý cư dân bằng công nghệ

Tại cuộc họp báo, Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ Công an đã có nhiều thông tin cho rằng bỏ hẳn sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, nhưng cách hiểu này là chưa đầy đủ.

“Việc bỏ hộ khẩu được hiểu nôm na là thay thế việc quản lý dân cư bằng giấy tờ hiện nay sang quản lý bằng công nghệ thông tin’’ - ông Vệ nói.

Trung tướng Trần Văn Vệ cho hay, hiện nay việc quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện để phục vụ mục tiêu quản lý Nhà nước. Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý Nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Chính vì thế, công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe các loại, chứng chỉ…

Thông tin trong các loại giấy tờ này có nội dung trùng lặp (họ, tên, ngày tháng, năm, sinh, dân tộc, quốc tịch…) nên khi sử dụng các giấy tờ để truy nguyên công dân thì đều hiển thị các thông tin trùng nhau, nhưng khi tham gia giao dịch lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ công dân để chứng minh tình trạng nhân thân của mình.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập này, năm 2013, Thủ tướng đã ký Quyết định 896 phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 07, giao Bộ Công an khẩn trương tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên phạm vi toàn quốc.

Theo ông Vệ, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội. Thông qua việc thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ T.Ư tới địa phương để dùng chung, nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư.

Trung tướng Trần Văn Vệ - quyền Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ CA) phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: A.C

Được bảo mật tuyệt đối

Trước những băn khoăn về tính chính xác trong việc thu thập dữ liệu dân cư liệu cũng như công tác bảo mật thông tin của người dân được thực hiện như thế nào, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát khẳng định: Bộ Công an đã có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, thu thập, cập nhật dữ liệu dân cư. Xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính Nhà nước theo hướng hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp cũng như đơn giản hóa thủ tục hành chính, thì việc thu thập thông tin cư dân một cách chính xác có vai trò vô cùng quan trọng. Bộ Công an đã có sự chuẩn bị kỹ càng về công nghệ, phần mềm giúp bảo mật, lưu giữ tuyệt đối an toàn những thông tin cá nhân của người dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công tác thu thập thông tin của người dân để nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả, chặt chẽ, an toàn. Từ cấp thôn, xã, phường, thị trấn đến huyện, tỉnh, thành phố đều thực hiện nghiêm những quy định, hướng dẫn của Bộ Công an.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cũng đề nghị mỗi công dân cần nắm vững các quy định của pháp luật về việc xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quyền và trách nhiệm trong việc cung cấp và khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, vấn đề đặt ra là cơ sở hạ tầng có đủ mạnh chống lại sự tấn công của tin tặc, hacker? Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho rằng: “Bộ Công an, hay tập đoàn viễn thông quân đội và các đơn vị chức năng phải cùng tham gia để đảm bảo an ninh an toàn thông tin, vì đây là tài sản quốc gia, được tập trung để bảo vệ, tránh sự truy cập, khai thác thông tin trái phép. Việc chia sẻ, khai thác phải đảm bảo không làm ảnh hưởng bí mật cá nhân, bí mật đời tư” - lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát chia sẻ.

Trước đó, ngày 30.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Theo Nghị quyết, Chính phủ đã thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Trong đó, có phương án sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Quy định này đã thu hút rất lớn sự quan tâm của dư luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn